Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những ghi nhận từ cuộc thi thuyết trình cán bộ công đoàn

 Đại hội XV Công đoàn tỉnh đã quyết định 02 chương trình trọng tâm triển khai trong nhiệm kỳ trong đó có chương trình “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn”. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ...

            Đại hội XV Công đoàn tỉnh đã quyết định 02 chương trình trọng tâm triển khai trong nhiệm kỳ trong đó có chương trình “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn”. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nâng cao chất lượng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của tổ chức công đoàn đối với đoàn viên, người lao động, trong khi  đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm thì rất cần sự hướng dẫn tích cực, cụ thể của cán bộ công đoàn chuyên trách. Trên thực tế, vẫn còn một số cán bộ chuyên trách công đoàn còn thiếu những kỹ năng thực tế, phương pháp và cách thức để hướng dẫn, tổ chức các hoạt động tại cơ sở chưa đáp ứng với nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên.

         Từ thực tế đặt ra yêu cầu cần nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách nói riêng và đội ngũ cán bộ công đoàn nói chung nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn”. Những năm qua, các cấp công đoàn đã có nhiều giải pháp quan tâm nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ công đoàn thông qua tập huấn, tọa đàm, tổ chức các hoạt động. Đối với LĐLĐ tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách, đòi hỏi tự bản thân mỗi cán bộ công đoàn phải tự mình nghiên cứu, thể hiện, nhất là việc nâng cao trình độ sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng các tính năng của máy tính trong đội ngũ cán bộ công đoàn. Vì vậy, từ năm 2018, LĐLĐ tỉnh đã triển khai cuộc thi thuyết trình dành cho các đối tượng (bắt buộc phải tham gia trừ trường hợp có lý do chính đáng). Thông thường có nhiều cuộc thi đã được tổ chức nhưng chủ yếu là lựa chọn thí sinh để tham gia, vì vậy có thể coi đây là một nét đổi mới, giải pháp tích cực đối với cán bộ công đoàn chuyên trách.

           Năm 2018, cuộc thi thuyết trình được tổ chức dành cho đối tượng 1 là các đồng chí giữ chức vụ là phó ban, phó chủ tịch LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành (29 đồng chí); đến tháng 6 năm 2019 tổ chức cuộc thi thuyết trình lần thứ hai dành cho đối tượng 2 là các đồng chí cán bộ không có chức vụ (21 đồng chí)

           Nội dung gồm 2 phần:

           Phần 1: Thi thuyết trình

           Đối với đối tượng 1, phần thi thuyết trình là những nội dung tự chọn thuộc các chuyên đề của công đoàn phải triển khai thực hiện. Ví dụ như Nâng cao chất lượng ký kết Thỏa ước Lao động tập thể; Cách tiếp cận doanh nghiệp và CNLĐ để tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; Nâng cao hiệu quả của Công đoàn trong thực hiện QCDC; Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra công đoàn; Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục trong đoàn viên, CNVCLĐ; Giải pháp đẩy mạnh nguồn thu kinh phí công đoàn trong doanh nghiệp

           Đối tượng 2 là các kỹ năng của cán bộ công đoàn như kỹ năng giao tiếp và ứng xử, đối thoại, lắng nghe và quan sát, làm việc nhóm…

          Thời gian thuyết trình: không quá 12 phút

          Cách thể hiện: Các thí sinh soạn bài bằng các slide để trình chiếu.

          Phần hai: Thi trả lời ứng xử tình huống

         Các thí sinh sẽ bốc thăm câu hỏi tình huống để trả lời (những kiến thức liên quan đến các chuyên đề hoạt động công đoàn)

          Bước đầu khi kế hoạch được ban hành rất nhiều đồng chí dự thi lo lắng vì thực tế nhiều đồng chí cấp phó ít được đi giảng bài, ít được nói trước hội nghị, nhất là đối với cán bộ thì hầu hết chưa một lần đứng trước hội nghị để giảng bài, trao đổi về một chuyên đề nào đó; mặc dù 100% cán bộ được trang bị máy tính để làm việc nhưng chủ yếu sử dụng máy tính là soạn thảo văn bản, có những đồng chí chưa biết cách làm Slide. Nhưng sau khi phân tích mục đích của cuộc thi chính là tạo sân chơi, cơ hội cho các đồng chí thể hiện, động viên và tạo các điều kiện để chuẩn bị tham dự cuộc thi đã tạo tâm lý yên tâm và tự tin cho các thí sinh dự thi. Sau 2 cuộc thi  dành cho các đối tượng có thể đánh giá cuộc thi rất thành công ở nhiều khía cạnh;

          Thứ nhất: Thấy được sự tự tin của cán bộ công đoàn khi trình bày, nhất là những đồng chí cán bộ chưa có chức danh chưa có cơ hội đứng trước hội nghị. Tinh thần chuẩn bị rất tích cực, trách nhiệm của các đồng chí dự thi, nhiều đồng chí rất sáng tạo trong cách sử dụng hình ảnh, slide để thể hiện bài thuyết trình của mình một cách hấp dẫn, tạo bất ngờ cho người nghe và xem.

            Thứ hai: Nội dung lựa chọn thi rất phong phú là những chuyên đề liên quan đến hoạt động công đoàn, các kỹ năng cần thiết của cán bộ công đoàn tập trung về giao tiếp, đối thoại, lắng nghe và quan sát, làm việc nhóm, tuyên truyền miệng, giải quyết tranh chấp lao động, vận động thành lập công đoàn cơ sở….

            Qua hai cuộc thi cho thấy ý tưởng để tổ chức cuộc thi là rất đúng và cần thiết, từ kết quả 2 cuộc thi có thể rút ra:

         Một là: Cuộc thi đúng là một sân chơi tạo cơ hội cho cán bộ công đoàn được thể hiện khả năng hiểu biết, trình độ , phương pháp thuyết trình một vấn đề, các kỹ năng cần thiết đối với cán bộ làm công tác vận động quần chúng. Đồng thời là diễn đàn để trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau góp phần nâng cao năng lực, nghiệp vụ công tác công đoàn trên mọi lĩnh vực.

           Hai là: Sau cuộc thi những bài giảng đó được tập hợp gửi vào trang thông tin điện tử công đoàn Ninh Bình để làm tư liệu cho cán bộ công đoàn các cấp tham khảo và sử dụng để tuyên truyền tại các lớp tập huấn. Với cách làm này khắc phục được việc tổ chức tập huấn tại cấp huyện không phải mời giảng viên cấp tỉnh về mà cán bộ cấp huyện hoàn toàn chủ động được nội dung để tập huấn.

           Ba là: Có những vấn đề mới, khó nhưng nếu không quyết tâm đổi mới thực hiện thì sẽ làm cho cán bộ luôn đi theo một lối mòn, không kích thích được sự sáng tạo, sự tìm tòi nghiên cứu và sẽ dẫn đến sự nhàm chán trong tổ chức hoạt động, không tạo được sức hấp dẫn của hoạt động công đoàn đối với đoàn viên, người lao động. Thực tế đã chứng minh, nếu có sự quyết tâm trong chỉ đạo của Thường trực kèm theo các điều kiện cần thiết tạo động lực cho cán bộ khi thực hiện chắc chắn mọi việc sẽ thành công./.

                                                                                                                                Mai Thủy

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 30
Hôm qua : 581
Tổng số : 7.525.086