Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CÔNG TÁC CHĂM LO, BẢO VỆ QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP, CHÍNH ĐÁNG CHO NỮ CNVCLĐ

Thực tế hiện nay, nữ CNVCLĐ gặp rất nhiều khó khăn, cản trở khi tham gia lao động sản xuất và công tác. Quan niệm “trọng nam khinh nữ” đã, đang và vẫn sẽ tồn tại trong đời sống của chúng ta, ảnh ...

 

Hiện nay, việc quy định các chế độ, chính sách cho nữ CNVCLĐ được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm, thể hiện trên thực tế các chế độ, chính sách cho nữ CNVCLĐ từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, chặt chẽ; không bị chồng chéo, trùng lắp trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật của các cơ quan chức năng. Đặc biệt, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 cũng vẫn dành riêng một chương (chương X) với 8 điều (từ Điều 153 đến Điều 160) quy định rất rõ ràng, cụ thể về quyền lợi, nghĩa vụ cho lao động nữ khi tham gia vào quan hệ lao động. Những quy định mới dành riêng cho lao động nữ trong Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 mềm dẻo hơn, với nhiều ưu đãi hơn, như: lao động nữ được tăng thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (từ 04 tháng lên 06 tháng) và có thể nghỉ trước khi sinh với thời gian không quá hai tháng; lao động nữ được bảo đảm việc làm sau khi sinh trong trường hợp không có việc làm cũ, được người sử dụng lao động bố trí việc làm khác với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản; lao động nữ được hưởng trợ cấp khi nghỉ để chăm sóc con ốm hoặc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình; được hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ (nếu có con đang ở lứa tuổi gửi nhà trẻ, mẫu giáo)…

Cùng với Đảng và Nhà nước, những năm qua, tổ chức Công đoàn đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, giữ vững và phát huy vai trò của nữ CNVCLĐ. Các cấp công đoàn chủ động tham gia có hiệu quả với cơ quan nhà nước xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chú trọng lồng ghép bình đẳng giới trong quá tŕnh xây dựng chính sách, bảo đảm thực chất hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ CNVCLĐ trong các lĩnh vực: Lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới, an toàn vệ sinh lao động… đặc biệt, công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng một số chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp tới lao động nữ, bình đẳng giới: Những qui định về lao động nữ trong Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội, các Nghị định của Chính phủ thi hành Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình…

Tuy nhiên, trên thực tế, việc các chế độ, chính sách cho nữ CNVCLĐ vẫn còn bị vi phạm, thậm chí, có nơi vi phạm nghiêm trọng…Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng có một nguyên nhân quan trọng chủ yếu, đó là, sự thiếu hiểu biết về pháp luật lao động của cả người sử dụng lao động và người lao động, dẫn đến tình trạng cả hai bên trong quan hệ lao động không biết để thực hiện. Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nữ CNVCLĐ.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách cho nữ CNVCLĐ còn rất hạn chế, ít được quan tâm, hầu như trong các cuộc kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, cơ quan chức năng của nhà nước ít quan tâm đến nội dung kiểm tra này. Vì vậy, tình trạng không ít chủ sử dụng lao động khi thấy các cơ quan chức năng lơi lỏng việc kiểm tra, giám sát, tìm cách không thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động nữ, như chế độ thai sản, đào tạo nghề dự phòng, các chính sách riêng đối với lao động nữ... Điều đó đồng nghĩa với việc giảm chi phí sản xuất, làm cho lợi nhuận của họ được tăng hơn, nhưng lao động nữ sẽ bị thiệt thòi hơn. Bên cạnh đó, mức độ hiểu biết về các chế độ, chính sách, khả năng đấu tranh với chủ sử dụng lao động để thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động của lao động nữ còn nhiều hạn chế, thậm chí không đấu tranh được. Do trên thực tế, áp lực thiếu việc làm nên mức độ đấu tranh của công nhân đòi quyền lợi cho mình chưa gay gắt, vì sợ bị sa thải. Lợi dụng tình hình này, một số doanh nghiệp không thực hiện các chế độ về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trang bị bảo hộ lao động, né tránh không ký hợp đồng lao động đối với người lao động, trong đó có lao động nữ.  Trong khi một số không ít nữ công nhân lao động không hiểu biết đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của bản thân mình, do không được phổ biến, không có thời gian cập nhật thông tin. Vì vậy, không biết là mình được hưởng những quyền lợi gì, từ chính sách nào và phải thực hiện những nghĩa vụ gì khi tham gia quan hệ lao động?

Cùng với việc không tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của bản thân khi tham gia quan hệ lao động, lao động nữ còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống gia đình với những quan niệm cổ hủ như: trọng nam, khinh nữ, phải đẻ con trai để có người nối dõi tông đường, phụ nữ không cần học nhiều, học cao, chỉ cần biết đẻ con trai, ở nhà chăm sóc gia đình, chồng con là đủ...ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, làm cho nữ CNVCLĐ không có cơ hội để học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn...

Từ tình hình thực tế nói trên,với chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động, vấn đề đặt ra cho các cấp công đoàn hiện nay là:

1. Chủ động tham gia với các cơ quan của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng, sửa đổi các quy định, chế độ, chính sách có liên quan đến nữ CNVCLĐ;

2. Tích cực tuyên truyền những kiến thức về xây dựng gia đình hạnh phúc, về chính sách dân số, kế hoach hóa gia đình, nuôi dạy con… và những quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của lao động nữ để nữ CNVCLĐ nâng cao nhận thức, kiến thức về xã hội, pháp luật, nâng cao trách nhiệm của mình khi tham gia quan hệ lao động, quan hệ công tác, có điều kiện để tự đấu tranh bảo vệ quyền lợi của bản thân.

3. Tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp có nhiều hình thức thiết thực, phù hợp để nữ CNVCLĐ có điều kiện tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; có chính sách ưu tiên trong đào tạo, bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ nữ;

4. Các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở cần tập trung hướng dẫn lao động nữ ký kết hợp đồng lao động theo đúng qui định của pháp luật lao động; phát huy vai trò trong thương lượng, xây dựng, ký kết thoả ước lao động tập thể; thỏa thuận với chủ sử dụng lao động đưa những nội dung có lợi hơn so với quy định của pháp luật cho lao động nữ vào nội dung của thỏa ước.

5. Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp. Tập hợp tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ, tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, thủ trưởng đơn vị để bảo đảm thực hiện pháp luật, chính sách đối với lao động nữ; qua đó, kiến nghị với Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách, chế độ liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới.

6. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội từ thiện trong nữ CNVCLĐ với các nội dung: Lập quỹ giúp nhau phát triển kinh tế, tổ chức thăm hỏi, động viên nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ xây dựng nhà mái ấm công đoàn…để nữ CNVCLĐ ổn định tư tưởng, phấn khởi yên tâm tham gia lao động sản xuất và công tác.

 

Lê Thị Bích Ngọc

Trưởng ban Nữ công – LĐLĐ tỉnh NB

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 480
Hôm qua : 818
Tổng số : 7.535.322