Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chức năng - nhiệm vụ cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình

QUY ĐỊNH

Về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ

cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình  

(ban hành kèm theo Quyết định số 49/QĐ-LĐLĐ  ngày 01 tháng 01 năm 2013 của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình )

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Chức năng, nhiệm vụ chung bộ máy cơ quan liên đoàn lao động tỉnh.

1. Chức năng:

Là cơ quan tham mưu giúp Ban Chấp hành (BCH), Ban Thường vụ (BTV) Liên đoàn Lao động tỉnh (LĐLĐ) thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, của công đoàn cấp trên và chức năng của tổ chức Công đoàn.

2. Nhiệm vụ:

- Nghiên cứu nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các Chỉ thị, Nghị quyết của công đoàn cấp trên; các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan đến nhiệm vụ của Công đoàn, đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động (sau đây gọi chung là người lao động); Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh; đề xuất với BCH, BTV Liên đoàn Lao động tỉnh về chủ trương, kế hoạch chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

- Giúp Ban Thường vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp tình hình, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương công tác đã được Ban Thường vụ, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh thông qua. Chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thuộc chuyên đề theo yêu cầu của Ban Thường vụ. Đề nghị khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích.

 - Hướng dẫn công đoàn cấp dưới về nghiệp vụ công tác công đoàn và theo dõi, kiểm tra giám sát việc thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh.

Điều 2. Cơ cấu tổ chức, bộ máy của cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh.

Cơ quan Liên đoàn lao động tỉnh Ninh Bình được tổ chức theo mô hình bảy ban (07) gồm:

1.     Ban Chính sách – Pháp luật.

2.     Ban Tài chính.

3.     Ban Tổ chức.

4.     Ban Tuyên giáo - Nữ công.

5.     Văn phòng.

6.     Văn phòng Ủy ban Kiểm tra.

 

Chương II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CÁC BAN CƠ QUAN

LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH

 

Điều 3.  Ban Chính sách - Pháp luật.

 1. Chức năng:

Nghiên cứu, tham mưu giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh trong việc thực hiện chức năng tham gia quản lý; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động theo quy định. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác BHLĐ, công tác thi đua, khen thưởng của tổ chức Công đoàn. Hướng dẫn các hoạt động trợ giúp pháp lý, vay vốn giải quyết việc làm, dạy nghề, giới thiệu việc làm và các hoạt động xã hội của công đoàn.

2. Nhiệm vụ:

- Đề xuất các vấn đề về cơ chế quản lý kinh tế, xã hội, chính sách lao động, việc làm, tiền lương, tiền công, thu nhập, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà ở và các chính sách xã hội có liên quan đến người lao động.

- Nghiên cứu, đề xuất nội dung tham gia xây dựng pháp luật và văn bản pháp luật có liên quan đến người lao động và Công đoàn theo yêu cầu của Tổng Liên đoàn, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh. 

- Theo dõi, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cán bộ công chức, đại hội công nhân viên chức, hội nghị người lao động; tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.

- Chủ trì và phối hợp với các ban thực hiện công tác thi đua khen thưởng theo quy định của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tham mưu, đề xuất tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ và các cấp công đoàn.  

- Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra việc thi hành pháp luật lao động, luật Công đoàn, các văn bản pháp luật khác có liên quan đến CNVCLĐ và tham gia các đoàn điều tra tai nạn lao động. Theo dõi, hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện kiểm tra, giám sát thi hành chính sách, pháp luật về lao động và Công đoàn. Tổ chức, hướng dẫn các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bảo hộ lao động và chỉ đạo phong trào quần chúng trong công tác bảo hộ lao động.

- Hướng dẫn và thực hiện công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật về lao động và Công đoàn; về hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm, hoạt động quỹ vay vốn giải quyết việc làm, quỹ “mái ấm công đoàn”. Phối hợp với Ban Tổ chức tham mưu giúp Ban Thường vụ về công tác tổ chức liên quan đến thi đua – khen thưởng, dạy nghề, giới thiệu việc làm, tư vấn pháp luật và hoạt động xã hội.  

- Theo dõi, hướng dẫn các cấp công đoàn trong việc giải quyết tranh chấp lao động, đình công của tập thể người lao động; hướng dẫn việc thực hiện vai trò tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi người lao động trong các vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp

- Theo dõi, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện cơ chế đối thoại, hợp tác tại nơi làm việc; thương lượng tập thể và đối thoại xã hội ở các cấp công đoàn; theo dõi vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về chính sách - pháp luật.Điều 4.

Điều 4. Ban Tài chính.

1. Chức năng:

 Tham mưu và giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ quản lý tài chính, tài sản, hoạt động kinh tế và đầu tư xây dựng cơ bản của Công đoàn theo quy định của pháp luật. Giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ ban hành các quy định, hướng dẫn về thu, phân phối, sử dụng, quản lý ngân sách Công đoàn.

 2. Nhiệm vụ:

           - Hướng dẫn các công đoàn cấp dưới, các đơn vị trực thuộc xây dựng và thực hiện dự toán ngân sách hàng năm; xét duyệt và tổng hợp dự toán hàng năm, quyết toán hàng quý và cả năm, báo cáo Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh trước khi gửi về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

                   - Thực hiện công tác kế toán, thống kê, tổng hợp tình hình thu, chi và quản lý tài chính, tài sản theo quy định của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

           - Thực hiện chức năng giám đốc tài chính, thông qua công tác tài chính giúp Ban Thường vụ chỉ đạo thực hiện các mặt công tác khác của công đoàn.

- Tổ chức kiểm tra tài chính, tài sản các công đoàn cấp dưới, các đơn vị trực thuộc, bảo đảm thu, chi và quản lý tốt tài chính, tài sản công đoàn.

  - Đề xuất kế hoạch tổ chức việc làm kinh tế của công đoàn; phối hợp với Văn phòng nghiên cứu đề xuất phương án quản lý, khai thác nhà khách công đoàn đảm bảo hiệu quả.

  - Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tài chính các cấp công đoàn và các đơn vị trực thuộc.

Điều 5. Ban Tổ chức.

1. Chức năng:

 Nghiên cứu, tham mưu, giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ phát triển đoàn viên; xây dựng hệ thống tổ chức, đội ngũ cán bộ công đoàn; hướng dẫn và tổ chức các hoạt động nghiệp vụ công tác tổ chức, cán bộ công đoàn.

2. Nhiệm vụ:

- Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các đề án về tổ chức bộ máy, cán bộ công đoàn các cấp. Nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng đội ngũ cán bộ, chính sách cán bộ, đào tạo cán bộ; chương trình, kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, xây dựng CĐCS vững mạnh. 

- Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra thực hiện kiểm tra thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ về công tác tổ chức, cán bộ, đào tạo cán bộ; tổ chức đại hội công đoàn các cấp; phát triển đoàn viên; thành lập CĐCS; xây dựng CĐCS vững mạnh; cấp phát và hướng dẫn sử dụng thẻ đoàn viên. Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức, cán bộ.

- Thẩm định và trình Đảng đoàn, Ban Thường vụ các đề án về tổ chức, cán bộ, nhân sự dự kiến đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Thẩm tra, xác minh đối với cán bộ công đoàn khi có yêu cầu.

- Thực hiện nhiệm vụ do Ban Thường vụ uỷ quyền: Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế các ban, các cấp công đoàn và trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật công đoàn; dự thảo các quyết định của Ban Thường vụ về thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể các ban, công đoàn ngành, LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố.

- Tham mưu cho Đảng đoàn, Ban Thường vụ về việc quản lý cán bộ theo phân cấp của Tỉnh uỷ, bao gồm các công việc: Quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, bố trí, phân công, điều động cán bộ; nhận xét, đánh giá cán bộ, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ; thực hiện chính sách cán bộ; bảo vệ chính trị nội bộ và công tác văn phòng Đảng đoàn; dự thảo các quyết định của Ban Thường vụ về công tác cán bộ; quản lý công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ công đoàn. Sơ kết, tổng kết công tác phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS vững mạnh, công tác tổ chức, cán bộ và đào tạo cán bộ.

- Giúp Ban Thường vụ xét duyệt, đề nghị Tổng Liên đoàn tặng thưởng kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn cho cán bộ, đoàn viên. Phối hợp với Ban Chính sách-Pháp luật xét duyệt khen thưởng và đề nghị Tổng Liên đoàn khen thưởng các đơn vị trong tổ chức Công đoàn.

Điều 6. Ban Tuyên giáo - Nữ công.

1. Chức năng:

 Nghiên cứu, tham mưu giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ trong lĩnh vực tuyên truyền, giáo dục CNVCLĐ; tham mưu, hướng dẫn triển khai công tác tuyên giáo công đoàn. Nghiên cứu, tham mưu giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ về công tác vận động nữ CNVCLĐ; chính sách, pháp luật có liên quan đến nữ CNVCLĐ; những vấn đề về giới, bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn; công tác cán bộ nữ và vì sự tiến bộ của nữ CNVCLĐ.    

2. Nhiệm vụ:

- Nghiên cứu, hướng dẫn nội dung, biện pháp tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Công đoàn, công tác phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội trong CNVCLĐ.

- Nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp đặc điểm, điều kiện của người lao động trong các thành phần kinh tế; nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của người lao động; bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. 

- Giúp Ban Thường vụ theo dõi, kiểm tra, định hướng hoạt động và quản lý nội dung trang website và bản tin Lao động và Công đoàn Ninh Bình; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn. 

- Tham mưu, hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai thực hiện phong trào xây dựng cơ quan, doanh nghiệp văn hoá; xây dựng nội dung, hướng dẫn các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao trong CNVCLĐ.

- Hướng dẫn các cấp công đoàn tham gia tổ chức việc học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cho người lao động.

- Tổ chức tổng kết thực tiễn về hoạt động tuyên giáo Công đoàn; tổ chức biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục trong CNVCLĐ.

- Đề xuất chủ trương về công tác vận động, giáo dục nữ CNVCLĐ.

- Tham mưu, đề xuất các hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ, cán bộ nữ; các vấn đề về công tác gia đình, về giới, bình đẳng giới, lồng ghép giới; công tác bảo vệ, chăm sóc bà mẹ - trẻ em và công tác dân số/SKSS/KHHGĐ.

- Phối hợp với các ban, đơn vị, các tổ chức và cơ quan liên quan đề xuất, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, luật pháp đối với lao động nữ và trẻ em. 

- Theo dõi, hướng dẫn hoạt động chuyên đề nữ công của công đoàn các cấp. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác nữ công. Chủ động phối hợp với các ban triển khai, sơ kết, tổng kết những chuyên đề công tác về nữ CNVCLĐ và hoạt động nữ công. Tổng hợp tình hình nữ CNVCLĐ và hoạt động nữ công báo cáo Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Tổng Liên đoàn.

           Điều 7. Văn phòng.

1. Chức năng: Tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành, Ban Thường vụ trong lãnh đạo, điều hành, chỉ đạo hoạt động công đoàn các cấp và cơ quan. Trực tiếp quản lý tài sản và phối hợp với các ban đảm bảo phục vụ các hoạt động tại cơ quan. Là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo.

2. Nhiệm vụ:

- Giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế làm việc và chương trình công tác. Là đầu mối phối hợp, điều hoà chương trình công tác của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, uỷ viên Ban Thường vụ để thực hiện quy chế làm việc và chương trình công tác của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh. 

- Quản lý các văn bản và chịu trách nhiệm về tính pháp lý của các văn bản do Ban Chấp hành, Ban Thường vụ ban hành. Tiếp nhận, phát hành, lưu trữ công văn, tài liệu.

- Tổ chức công tác thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của thường trực và Ban Thường vụ. Theo dõi, đôn đốc các cấp công đoàn thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định.

- Tham gia phối hợp với các ban nghiên cứu, tổng hợp tình hình CNVCLĐ. đề xuất một số chủ trương công tác đối với CNVCLĐ và Công đoàn. Chủ trì hoặc phối hợp cùng các ban tham gia xây dựng các văn bản và một số đề án do Ban Thường vụ giao. Theo dõi, đánh giá, tổng hợp tình hình tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ. Phối hợp với các ban, đơn vị giúp Ban Thường vụ chỉ đạo kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, quyết định các chuyên đề công tác của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ. 

- Bảo đảm điều kiện vật chất phục vụ hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực. Bố trí phương tiện, nơi làm việc cho các ban, đón tiếp khách đến làm việc. Tổ chức phục vụ các hội nghị, quản lý tài sản, đảm bảo trật tự, trị an trong cơ quan. Giúp thủ trưởng cơ quan cùng với công đoàn cơ quan tổ chức sơ kết, tổng kết, hội nghị dân chủ cơ quan.

- Phối hợp với ban Tài chính quản lý và khai thác nhà khách công đoàn.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn phòng.

Điều 8. Văn phòng Uỷ ban Kiểm tra.

1. Chức năng: Giúp Uỷ ban Kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Quy chế hoạt động của Ủy ban Kiểm tra do Ban Chấp hành thông qua. Chủ trì phối hợp với các ban và cùng các cơ quan liên quan giải quyết đơn thư khiếu tố của người lao động. Theo dõi, hướng dẫn việc giải quyết đơn thư khiếu tố của các cấp công đoàn.

2. Nhiệm vụ:

- Tổ chức, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban kiểm tra theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm tra.

- Theo dõi, hưỡng dẫn chỉ đạo, kiểm tra Ủy ban kiểm tra công đoàn cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra.

- Xây dựng kế hoạch hoạt động định kỳ của Ủy ban kiểm tra và chuẩn bị nội dung các kỳ họp Ủy ban kiểm tra.

- Tổng hợp xây dựng báo cáo hoạt động và đề xuất chương trình công tác của Ủy ban kiểm tra trong các kỳ họp thường kỳ Ban Chấp hành.

- Chủ động phối hợp với các ban giải quyết đơn thư khiếu tố và các công việc khác có liên quan; tham gia xây dựng, bổ sung, sửa đổi các quy định có liên quan đến công tác kiểm tra.  

- Giúp Ủy ban kiểm tra triển khai việc kiểm tra chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế của Công đoàn cấp mình và cấp dưới.

- Giúp Ủy ban kiểm tra đề xuất, kiến nghị với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các đơn vị được kiểm tra những vấn đề có liên quan đến hoạt động kiểm tra.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra. Tổng kết thực tiễn hoạt động uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp.

 

Chương III

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA TRƯỞNG, PHÓ BAN

VÀ CHUYÊN VIÊN

 

Điều 9. Nhiệm vụ  của Trưởng ban

1. Nhiệm vụ chung:

- Trưởng Ban là người chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ, Thường trực LĐLĐ tỉnh về các mặt công tác của Ban. Xây dựng chương trình công tác, quản lý cán bộ, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, nhân viên trong Ban; đôn đốc, tổ chức thực hiện và tổng kết nhiệm vụ.

- Trực tiếp chỉ đạo nội dung và hoàn thiện các báo cáo sơ kết, tổng kết công tác của Ban và các báo cáo chuyên đề do Thường vụ phân công; hướng dẫn cán bộ, chuyên viên xây dựng chương trình công tác theo chuyên đề. Hằng tháng tổ chức sơ kết đánh giá công tác của Ban, kiểm tra kết quả công tác của cán bộ, chuyên viên phụ trách, ghi ý kiến nhận xét của mình vào kết quả thực hiện chương trình công tác.

- Được Thường trực uỷ nhiệm liên hệ với các đơn vị liên quan để tham gia giải quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ của Ban.

- Ký các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ, thông báo tình hình thuộc nhiệm vụ của Ban; có thể uỷ quyền cho đồng chí Phó trưởng ban hoặc chuyên viên thay mặt giải quyết các công việc khi cần thiết nhưng vẫn là người chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức, thực hiện và kết quả của công việc đó.

- Phát huy dân chủ trong Ban, phối hợp với công đoàn cơ quan trong thực hiện dân chủ, công tác thi đua và Nghị quyết hội nghị cán bộ công chức hàng năm.

- Được giải quyết cho cán bộ, công chức, viên chức trong Ban nghỉ để giải quyết việc riêng khi có lý do chính đáng không quá 01 ngày và phải báo cáo với Thường trực.

2. Trưởng Ban Tổ chức ngoài nhiệm vụ chung còn có nhiệm vụ:

- Ký xác nhận về lý lịch của cán bộ chuyên trách Công đoàn và một số nội dung về công tác tổ chức, cán bộ theo uỷ quyền của Thường trực LĐLĐ tỉnh.

- Giúp Ban Thường vụ theo dõi tình hình thực hiện biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách và lao động hợp đồng của hệ thống Công đoàn toàn tỉnh.

3. Chánh văn phòng ngoài nhiệm vụ chung còn có nhiệm vụ:

- Tổng hợp, biên soạn các văn bản không thuộc ban chuyên đề nào phụ trách.

- Được Thường trực uỷ nhiệm giải quyết các công việc cụ thể hàng ngày trong nội bộ cơ quan. Ký các giấy mời, văn bản báo cáo hàng tháng của LĐLĐ tỉnh, công văn và các văn bản sao, trích lục khác. Trực tiếp phụ trách công tác tổng hợp.

- Theo dõi, đôn đốc các Ban, bộ phận trong cơ quan thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Thường trực. Giúp Thường trực điều hành hoạt động của các Ban theo chương trình công tác.

- Giúp Thủ trưởng cơ quan trong phối hợp với BCH Công đoàn, Hội cựu chiến binh và BCH chi đoàn cơ quan tổ chức các hoạt động theo quy định.

 Điều 10. Nhiệm vụ của Phó Trưởng ban.

Phó trưởng ban là người giúp việc trực tiếp cho Trưởng ban và là người thay mặt khi Trưởng ban đi vắng để điều hành giải quyết công việc của Ban. Phụ trách một số chuyên đề và đảm nhiệm các mặt công tác khác do Trưởng ban phân công.

Điều 11.  Nhiệm vụ của chuyên viên.

- Chịu sự phân công, chỉ đạo của Trưởng ban hoặc Phó trưởng ban (khi được Trưởng ban ủy quyền). Được giao phụ trách một số chuyên đề, công việc cụ thể và  chịu trách nhiệm trước công việc được phân công.

- Chủ động xây dựng kế hoạch và chương trình công tác chuyên đề được phân công, có trách nhiệm thực hiện các công việc được giao, nắm tình hình và báo cáo kết quả công tác theo quy định.

- Đề xuất, tham mưu các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Ban, của cơ quan và nhiệm vụ được phân công.

Chương IV

HIỆU LỰC THI HÀNH

 

Điều 12.  Căn cứ Quy định này, Trưởng các Ban có trách nhiệm phân công cụ thể công việc cho từng cán bộ, chuyên viên, nhân viên trong Ban thuộc quyền quản lý và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Ban.

Điều 13. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Ban Tổ chức chủ trì phối hợp với các ban có liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện theo Quy định; Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh, vướng mắc báo cáo Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh xem xét bổ sung, sửa đổi.

 

 

TM. BAN THƯỜNG VỤ

CHỦ TỊCH

 

 

 

                                                                    

                             Đỗ Việt Anh 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 71
Hôm qua : 692
Tổng số : 7.536.034