Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hỏi - đáp về chế độ Bảo hiểm xã hội

            Ban biên tập Trang thông tin điện tử Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình tổng hợp, đăng tải một số nội dung câu hỏi và kiến nghị liên quan về chế độ BHXH, BHYT được lãnh đạo BHXH tỉnh giải đáp tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo LĐLĐ tỉnh với cán bộ công đoàn các cấp.  

         Câu 1: Hiện nay, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHTN hoặc có doanh nghiệp đã thu của người lao động nhưng không đóng; do đó, ảnh hưởng đến người lao động khi thanh toán các khoản ốm đau, tai nạn, thai sản; nghỉ việc không được chốt sổ bảo hiểm làm ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ, chính sách và quyền lợi của người lao động, ảnh hưởng đến thời gian để tính hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết 116…

          Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ chúng tôi đề nghị Bảo hiểm Xã hội tỉnh có giải pháp để yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đóng BHXH đầy đủ, kịp thời.

Trả lời:

Hiện nay, cơ quan BHXH đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để đôn đốc thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN như: Gửi văn bản nhắc nhở, đôn đốc thu, thu nợ đến các đơn vị nợ trong toàn tỉnh; phân công cán bộ trực tiếp, thường xuyên đến từng đơn vị để đôn đốc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định của pháp luật. Báo cáo định kỳ với UBND tỉnh về tình hình tham gia BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị trên địa bàn, tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn. Thường xuyên thống kê, rà soát và cung cấp thông tin những đơn vị nợ đọng dây dưa, kéo dài để thanh tra chuyên ngành đóng, phối hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với những đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, để giảm được tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Sở, ban ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội, cơ quan báo chí và sự đấu tranh bảo vệ quyền lợi của chính người lao động.

Câu 2: Người tham gia BHXH đã được hưởng lương hưu nhưng không may bị chết thì thân nhân có được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng không?

Trả lời:

Thân nhân người hưởng lương hưu nhưng không may bị chết được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 67 Luật BHXH 2014:

        “2. Thân nhân của những người quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm:

         a) Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;

         b) Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

        c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;

       d) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

3. Thân nhân quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở. Thu nhập theo quy định tại Luật này không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.”

Câu 3: Các chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ việc hưởng BHXH, người lao động có thể đăng ký nhận tiền trực tiếp về tài khoản cá nhân mà không cần qua NSDLĐ được không?

Trả lời:

- Để thanh toán các chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ việc hưởng BHXH, người lao động, đơn vị sử dụng lao động thực hiện lập Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (Mẫu 01B-HSB), và tại phần hướng dẫn lập mẫu: “Cột C: Ghi số tài khoản, tên ngân hàng, chi nhánh nơi người lao động mở tài khoản; trường hợp người lao động không có tài khoản cá nhân thì bỏ trống.” Như vậy biểu mẫu đề nghị đã ưu tiên việc đăng ký nhận tiền trực tiếp về tài khoản cá nhân của người lao động.

- Để chi trả các chế độ cho người lao động được kịp thời, đúng quy định khi thực hiện kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết hưởng chế độ BHXH, cơ quan BHXH luôn có nội dung đề nghị đơn vị lập hồ sơ thanh toán các chế độ thông qua tài khoản cá nhân của người lao động (đối với đơn vị đang đề nghị thanh toán chế độ BHXH qua tài khoản của Đơn vị sau đó mới lập danh sách chi cho người lao động).

Câu 4: Hiện tại có rất nhiều người lao động khi nghỉ việc sẽ hỏi thủ tục để giải quyết hưởng bảo hiểm 1 lần, lý do được đưa ra đa phần là do Luật mới đã tăng tuổi nghỉ hưu nên họ cảm thấy không có khả năng đợi đến mức tuổi cao như vậy để được hưởng lương hưu. Như vậy, vấn đề này liệu có nên trình lên để thảo luận và có thêm phương án khác không?

Trả lời:

- Thực trạng BHXH 1 lần hiện nay được nhận định ở một số nguyên nhân chính là:

Mặt bằng thu nhập và điều kiện kinh tế của NLĐ còn khó khăn (do đó khi nghỉ việc có được khoản tiền nào sẽ rút ra hết);

Các chính sách về thị trường lao động (trợ cấp cho NLĐ trong thời gian tìm việc, giới thiệu việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp,...) còn chưa hiệu quả (sau 1 năm vẫn không có việc làm mới nên có nhu cầu rút một lần);

Chính sách BHXH còn chưa hấp dẫn (thời gian đóng để hưởng hưu trí dài do quy định 20 năm đóng, tăng tuổi nghỉ hưu,..);

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và nhận thức của NLĐ còn hạn chế.

- Để giải quyết vấn đề trên thì ngoài việc có chính sách để cải thiện, nâng cao thu nhập và đời sống của NLĐ, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp để phát huy hiệu quả của công cụ quản trị thị trường lao động hay tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức của NLĐ thì vấn đề hoàn thiện chính sách BHXH trong đó thực hiện lộ trình để giảm quy định về số năm đóng góp để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm, đa dạng và linh hoạt trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện,... cũng đã được đặt ra tại Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH và sẽ cụ thể hóa trong quá trình sửa đổi Luật BHXH sắp tới.

Như vậy, vấn đề nêu trên cũng là một lý do mà nếu có thể nên có khảo sát, điều tra cụ thể đối với người lao động hưởng BHXH 1 lần ở địa phương để có đánh giá một cách đầy đủ và khách quan hơn.

Câu 5: Công nhân lao động ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Công ty đã thanh toán đủ tiền lương, công ty đã hẹn lịch chốt, trả sổ bảo hiểm, nhưng do điều kiện không đến đúng hẹn. Hiện tại công nhân vẫn chưa nhận được sổ bảo hiểm mặc dù đã đến công ty liên hệ nhiều lần. Trường hợp trên phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 5, điều 21 Luật BHXH 2014 thì người SDLĐ có trách nhiệm:

Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.“

Vì vậy, trong trường hợp công ty cố tình không trả sổ BHXH cho bạn, bạn có thể làm đơn khiếu nại lên Ban giám đốc công ty hoặc thông qua tổ chức Công đoàn tại công ty để khiếu nại về việc không trả sổ BHXH cho bạn.

Nếu không được thì bạn có thể gửi đơn đến Phòng Lao động Thương binh - xã hội để giải quyết buộc công ty trả lại sổ BHXH cho bạn.

Câu 6: Doanh nghiệp chúng tôi có một số lao động làm việc từ thứ hai đến thứ bảy. Lịch làm việc từ 7h30 đến 16h30, muốn hỏi: Lao động có thể sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh vào ngày chủ nhật hoặc ngoài giờ hành chính được không? Nếu có thì khám ở cơ sở y tế nào trong tỉnh? NLĐ mong muốn đề xuất với cơ quan cấp trên có những giải pháp để người lao động không gặp khó khăn, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh BHYT khi ngoài giờ hành chính.

Trả lời:

Để xác định người tham gia BHYT có được hưởng BHYT ngoài giờ hành chính hay không cần căn cứ vào cơ sở y tế mà người này đến khám có tổ chức việc khám chữa bệnh (KCB) BHYT ngoài giờ hay không.

Trường hợp có tổ chức KCB ngoài giờ hành chính

Để thực hiện việc KCB BHYT ngoài giờ hành chính thì nội dung này phải được ghi nhận tại hợp đồng KCB BHYT giữa cơ sở KCB và cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH).

Cụ thể, Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP nêu rõ: Nội dung hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT được lập theo Mẫu số 7 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Tùy theo điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thống nhất bổ sung nội dung trong hợp đồng nhưng không trái quy định của pháp luật về BHYT.

Mặt khác, quy định của pháp luật cũng không cấm việc khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính. Do đó, cơ sở KCB và cơ quan BHXH hoàn toàn có quyền thỏa thuận sửa đổi nội dung hợp đồng KCB BHYT để tổ chức KCB BHYT ngoài giờ hành chính căn cứ theo các điều kiện KCB của cơ sở đó.

Đồng thời, điểm a khoản 10 Điều 27 Nghị định 146 cũng quy định:

Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ:

a) Người có thẻ BHYT đến khám bệnh, chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT;

Như vậy, khi đi KCB ngoài giờ hành chính tại các bệnh viện/cơ sở y tế mà có tổ chức khám ngoài giờ hành chính thì người tham gia BHYT vẫn sẽ được Quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng tương ứng của đối tượng mà mình tham gia.

Trường hợp không tổ chức KCB ngoài giờ hành chính

Nếu cơ sở KCB không tổ chức khám ngoài giờ hành chính thì người dân vẫn có thể được hưởng đầy đủ các quyền lợi về BHYT nếu thuộc trường hợp cấp cứu.

Cụ thể, khoản 2 Điều 28 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi năm 2014 đã nêu rõ: Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này trước khi ra viện.

Theo đó, để đảm bảo chữa trị kịp thời khi xảy ra tình huống khẩn cấp, người bệnh được đến khám chữa bệnh tại bất kì cơ sở y tế nào. Khi đó, người tham gia BHYT dù khám chữa bệnh ngoài giờ vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi về BHYT.

Đồng thời, theo Điều 11 Thông tư 40/2015/TT-BYT, bác sĩ hoặc y sĩ tiếp nhận người bệnh đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu và ghi vào hồ sơ, bệnh án. Như vậy, để được xác định là tình trạng cấp cứu để hưởng BHYT thì phải có xác nhận của y bác sĩ tiếp nhận và ghi rõ vào hồ sơ, bệnh án.

Cơ sở y tế nào tổ chức khám chữa bệnh ngoài giờ

Không phải bệnh viện/cơ sở y tế nào cũng tổ chức khám ngoài giờ cho người dân. Việc này dựa trên khả năng cung cấp các dịch vụ của bệnh viện/cơ sở y tế để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân.

Vì vậy, trước khi đi khám ở bệnh viện/cơ sở y tế nào, người dân cần chủ động tìm hiểu trước xem bệnh viện đó có tổ chức KCB ngoài giờ hành chính hay không bằng cách liên hệ trực tiếp đến số tổng đài của bệnh viện/cơ sở y tế. Ngoài ra, người dân có thể tra cứu thông tin trên trang thông tin tiện tử của bệnh viện/ cơ sở y tế.

Câu 7: Theo Khoản 3 Điều 18 Nghị định 115/2015 ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định: Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Xin hỏi đối với lao động nữ muốn nhận chế độ thai sản mà doanh nghiệp bị phá sản chưa đóng đủ hoặc không có khả năng đóng BHXH cho NLĐ, NLĐ phải làm gì để được hưởng chế độ thai sản.

Trả lời:

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có Công văn số 2802/BHXH-CSXH ngày 6/9/2021 gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn thực hiện chế độ BHXH đối với người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động phá sản còn nợ tiền đóng BHXH.

 Theo đó, về chế độ thai sản đối với trường hợp sinh con, nhận nuôi con nuôi: Người lao động có thời gian đóng BHXH vào quỹ ốm đau, thai sản (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng BHXH) mà đủ 6 tháng trở lên theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 hoặc 3 tháng trở lên theo quy định tại Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014, nếu đảm bảo căn cứ để xác định người lao động chưa hưởng chế độ thì cơ quan BHXH giải quyết trợ cấp thai sản theo quy định tại thời điểm người lao động sinh con, nhận nuôi con nuôi.

Khi thời gian tham gia BHXH được đóng bổ sung và làm thay đổi mức trợ cấp thì điều chỉnh lại mức hưởng theo quy định của chính sách (tại thời điểm người lao động đủ điều kiện hưởng) để chi trả bổ sung.

Câu 8: Người lao động làm việc tại Công ty A mà lại tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN, TNLĐBNN tại Công ty B thì có được không? Tại sao?

        Người lao động ký hợp đồng lao động với nhiều Công ty thì sẽ tham gia đóng bảo hiểm tại Công ty nào? Tại sao?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 4 Điều 85 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

          “Người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.”

          Căn cứ Khoản 2, Điều 13, Luật BHYT 2: Trường hợp người lao động theo quy định của Luật BHYT nếu có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng BHYT theo hợp đồng lao động có mức tiền lương, tiền công cao nhất.

          Điều 43 Luật An Toàn–Vệ sinh lao động 2013 quy định về đối tượng áp dụng chế độ BHTNLĐ-BNN: Trường hợp NLĐ giao kết HĐLĐ với nhiều NSDLĐ thì NSDLĐ phải đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ đã giao kết nếu NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc. Khi bị TNLĐ, BNN thì NLĐ được giải quyết chế độ BHTNLĐ, BNN theo nguyên tắc đóng, hưởng do Chính phủ quy định.        

           Như vậy, khi người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì công ty đầu tiên sẽ có trách nhiệm tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, còn công ty tiếp theo mà NLĐ ký hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên sẽ có trách nhiệm chi trả cùng với kì trả lương tiền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bằng mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động phải tham gia.

Câu 9: Đối với người lao động mà không đủ 14 ngày công thì Công ty sẽ báo giảm đóng BHXH; vậy trong thời gian này có đóng BHYT cho người lao động không?

Trả lời:

          Khoản 3 Điều 85, khoản 4 Điều 86 Luật BHXH 2014 quy định: Người lao động không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người sử dụng lao động và người lao động không phải đóng BHXH của tháng đó.

          Vì vậy đơn vị báo giảm BHXH, BHYT, BHTN của tháng đó.

         Trường hợp người lao động bị ốm trên 14 ngày trong tháng: Cắn cứ Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của luật BHYT quy định: Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế;

         Câu 10: Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu có được tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động không? trường hợp không được tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động thì có được đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu không?

Trả lời:

          1. Về vấn đề thứ nhất

           Khoản 4 Điều 36 Bộ luật Lao động quy định về một trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

           Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.

Theo quy định này, nếu người lao động chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc tuổi hưởng lương hưu thì chưa thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động.

          Tại Điều 6 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung của Bộ luật Lao động quy định:

              - Khi người sử dụng lao động có nhu cầu và người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

              - Khi người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động."

              Theo đó, thì đối với người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã ký hoặc giao kết hợp đồng lao động mới, trừ trường hợp người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động không có đủ sức khỏe.    

              2. Vấn đề thứ hai

            Trường hợp người lao động cao tuổi không tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết hoặc không giao kết hợp đồng lao động mới thì người lao động có thể đóng tiếp bảo hiểm xã hội, vào quỹ hưu trí và tử tuất, theo hình thức đóng BHXH tự nguyện.

              Đối với người lao động cao tuổi đã có đủ 10 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì có thể đóng 01 lần cho số năm còn thiếu để được hưởng lương hưu (điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu là 20 năm). Thời điểm được hưởng lương hưu bắt đầu từ tháng kế tiếp của tháng đã đóng đủ bảo hiểm xã hội cho số năm còn thiếu.

Câu 11: Trường hợp người lao động đến thời điểm hiện tại 41 tuổi mà đã tham gia đóng BHXH được 20 năm; vì điều kiện, hoàn cảnh nên họ không tiếp tục đóng bảo hiểm nữa, trường hợp này thì nên giải quyết như thế nào để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động?

Trả lời:

Điều kiện hưởng Chế độ BHXH một lần được quy định:

Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014

      “1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

       a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

        b) Ra nước ngoài để định cư;

       c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13

1. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

         Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Đối chiếu với quy định nêu trên trường hợp đã tham gia đóng BHXH được 20 năm không thuộc đối tượng được thanh toán chế độ BHXH một lần, trong trường hợp này người lao động nên bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, sau này khi có điều kiện có thể tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc (trường hợp tiếp tục tham gia làm việc theo HĐLĐ, …), hoặc BHXH tự nguyện để khi đủ điều kiện về tuổi đời sẽ được hưởng lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Câu 12: Tôi đóng BHXH được 3 năm nhưng chuyển 2 công ty, mỗi công ty hơn 1 năm, sau này đủ 5 năm thẻ bảo hiểm có được ghi là tham gia đủ 5 năm hay không, hay phải ở 1 công ty 5 năm mới được xác nhận tham gia đủ 5 năm?

Trả lời:

Bảo hiểm y tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm bớt gánh nặng tài chính cho người bệnh. Hầu hết người bệnh chỉ được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi chi trả của BHYT, ngoại trừ trẻ em dưới 06 tuổi, người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số…

Tuy nhiên, với những ai đã tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, quyền lợi của họ của được nâng lên rất nhiều. Cụ thể khoản 15 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 có nêu:

Người bệnh được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng nếu có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.

Tức là, khi tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến), người dân sẽ được cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” và được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các lần khám chữa bệnh tiếp theo.

Khi được cấp giấy chứng nhận này, người dân sẽ không phải thanh toán phần cùng chi trả 5% hoặc 20% chi phí khám, chữa bệnh (hiện nay, khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến, hầu hết người bệnh chỉ được thanh toán 95% hoặc 80% chi phí trong phạm vi được hưởng).

Về câu hỏi của Bạn, theo Điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đủ 5 năm liên tục, gián đoạn không quá 03 tháng theo quy định thì trên thẻ BHYT sẽ xác định thời gian đủ 5 năm liên tục. như vậy nếu bạn làm việc tại nhiều công ty nhưng thời gian tham gia BHYT của bạn liên tục hoặc gián đoạn không quá 3 tháng, thì khi bạn tham gia BHYT đủ 5 năm thì sẽ được ghi nhận là thời gian đủ 5 năm liên tục.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 94
Hôm qua : 364
Tổng số : 7.533.373