Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhận diện một số hành vi cản trở hoạt động Công đoàn tại doanh nghiệp và giải pháp

Ninh Bình hiện đang thu hút 64 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh tại 05 khu công nghiệp. Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình quản lý 36 CĐCS thuộc bốn khu công nghiệp, với tổng số đoàn ...

Ninh Bình hiện đang thu hút 64 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh tại 05 khu công nghiệp. Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình quản lý 36 CĐCS thuộc bốn khu công nghiệp, với tổng số đoàn viên là 22.983/27.525 CNLĐ (số liệu tính đến tháng 9 năm 2019).

Đa số các doanh nghiệp chấp hành khá tốt các quy định về pháp luật, đời sống của đoàn viên, người lao động cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động công đoàn tại cơ sở còn đạt kết quả chưa cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân của những hành vi can thiệp, cản trở Công đoàn hoạt động từ phía chủ sử dụng lao động. Một số biểu hiện cụ thể đó là:

Tại các đơn vị chưa có Công đoàn, doanh nghiệp thường né tránh, không tạo điều kiện để Công đoàn các khu công nghiệp đến doanh nghiệp tiếp xúc tuyên truyền vận động CNLĐ gia nhập Công đoàn; không tạo điều kiện hoặc trì hoãn việc thành lập công đoàn cơ sở, cản trở không cho đoàn viên tham gia Công đoàn với lý do số lao động ít, chưa ổn định sản xuất, kinh doanh, thậm chí có doanh nghiệp còn lý luận “chế độ của doanh nghiệp tốt, tặng quà, chăm lo, hỗ trợ đầy đủ cho người lao động nên không cần thiết phải có công đoàn”.

Tại các đơn vị đã thành lập Công đoàn cơ sở, các dấu hiệu can thiệp của lãnh đạo doanh nghiệp thường thể hiện qua một số khía cạnh:

+ Can thiệp về công tác nhân sự: Không chỉ can thiệp đối với công tác nhân sự trong thời gian hoạt động lâm thời của Ban Chấp hành, hầu hết các đơn vị đều phải thông qua và được sự đồng ý của doanh nghiệp về nhân sự dự kiến bầu Ban Chấp hành khóa mới trước khi đại hội hoặc bầu bổ sung khi Ban chấp hành khuyết thiếu. Thậm chí có đơn vị, chủ doanh nghiệp can thiệp với cả chức danh tổ trưởng công đoàn (số lượng và nhân sự cụ thể). Ở một số đơn vị, lãnh đạo doanh nghiệp chỉ định nhân sự Ban Chấp hành thay cho người lao động với mục đích thông qua những người thân cận, đứng về phía người sử dụng lao động để gián tiếp điều hành hoạt động công đoàn theo mong muốn của doanh nghiệp.

+ Can thiệp về công tác tài chính: Nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu can thiệp tài chính Công đoàn. Một số doanh nghiệp không kịp thời chuyển kinh phí công đoàn, không chuyển đoàn phí trích trừ từ đóng góp của đoàn viên, gây khó khăn cho CĐCS. Một số doanh nghiệp trích chuyển 2% kinh phí cho Công đoàn nhưng lại can thiệp khá sâu vào công tác thu chi của CĐCS dưới những hình thức như giữ hộ tiền, quản lý hộ chứng từ..; mọi hoạt động chi ra của CĐCS đều phải có sự đồng ý của chủ doanh nghiệp, mua quà tặng cho đoàn viên sẽ do bộ phận tài vụ  của Công ty tiến hành khảo giá và mua giúp, hoặc khảo giá để so sánh với giá mua của Ban Chấp hành để kiểm soát hoạt động mua bán của Ban Chấp hành.

Ở một số đơn vị, lãnh đạo doanh nghiệp còn định hướng, gợi ý thậm chí o ép Ban Chấp hành dùng tiền công đoàn để “đánh bóng thương hiệu” với các doanh nghiệp cùng tập đoàn thông qua một số hoạt động như: Công đoàn tặng áo đồng phục cho người lao động, tổ chức “Bắt thăm trúng thưởng” nhân dịp lễ tết…

+ Phân biệt đối xử với cán bộ công đoàn và đoàn viên: Nếu không can thiệp nhân sự Ban Chấp hành, hoặc Ban Chấp hành có thành viên đấu tranh, đòi hỏi quyền lợi cho người lao động, doanh nghiệp sẵn sàng giao thêm việc để tạo áp lực cho cán bộ công đoàn, hoặc điều chuyển công việc của những người “dám ý kiến”, hoặc tham gia tích cực đến ngừng việc tập thể với lý do sắp xếp lại sản xuất. Khi được bố trí những công việc không phù hợp chuyên môn, không đúng hợp đồng lao động, một số cán bộ công đoàn hoặc đoàn viên tích cực đấu tranh không chịu được áp lực đã buộc phải xin nghỉ tham gia công tác công đoàn hoặc viết đơn nghỉ việc sau đó. Có đơn vị, doanh nghiệp tuyên truyền để người lao động nhận thấy bất lợi như: Cắt các khoản phúc lợi đang được hưởng nếu tham gia công đoàn, phải đóng đoàn phí…

+ Can thiệp về thời gian: Hầu hết các đơn vị không tạo điều kiện về thời gian để công đoàn tuyên truyền và tổ chức các hoạt động quần chúng với lý do bận sản xuất. Đa số các CĐCS tại khu công nghiệp chưa được bố trí phòng công đoàn, không được tạo điều kiện để cán bộ công đoàn sinh hoạt với đoàn viên, người lao động và tổ chức các hoạt động quần chúng.

Nguyên nhân chủ yếu của các hành vi nêu trên là do lãnh đạo doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng vai trò của Công đoàn; hầu hết các doanh nghiệp đồng ý cho thành lập Công đoàn là để đối phó với việc kiểm tra, kiểm xưởng nên hiện có một số đơn vị bộ máy công đoàn hoàn toàn bị “tê liệt”; không muốn sử dụng thời gian sản xuất cho việc tổ chức các hoạt động Công đoàn vì coi đó là sự lãng phí. Một số doanh nghiệp đang cố tình hiểu theo hướng 2% kinh phí công đoàn mà họ trích chuyển là tiền của doanh nghiệp “cho công đoàn”. Đó là tiền của họ nên họ muốn chỉ định nhân sự Ban chấp hành, để thông qua những người dễ bảo hoặc người thân cận can thiệp trở lại đối với nguồn tài chính mà họ bỏ ra.

“Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn, giúp tổ chức của người lao động không bị thao túng bởi người sử dụng lao động. Đồng thời bổ sung những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí…”. Đây là những nội dung chính của Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được các đại biểu Quốc hội Khoá 7 nước ta thông qua tháng 6/2019. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế - quốc tế một cách sâu rộng, rõ ràng, những biểu hiện trên đây là những hành vi đi ngược lại với xu thế tiến bộ của thế giới. Những hành vi đó đã can thiệp rõ rệt, thao túng hoạt động của tổ chức Công đoàn, phân biệt đối xử đối với người lao động và cán bộ công đoàn, khiến cho cán bộ công đoàn và người lao động không thể, không muốn lên tiếng và không dám hành động vì quyền lợi của họ.

Để giúp cán bộ CĐCS có thêm những biện pháp nhằm hạn chế doanh nghiệp can thiệp, thao túng, phân biệt đối xử với cán bộ công đoàn và người lao động, Công đoàn các khu công nghiệp cần quan tâm một số biện pháp sau:

Thứ nhất: Đề xuất với lãnh đạo Ban quản lý khu công nghiệp hằng năm ban hành văn bản yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật Lao động, Luật Công đoàn. Trong đó đặc biệt quan tâm đến việc yêu cầu các doanh nghiệp chủ động thực hiện các nội dung như tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, ký kết và rà soát thỏa ước lao động tập thể, trích nộp kinh phí Công đoàn, tạo điều kiện về thời gian cho Công đoàn tổ chức hoạt động. Đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu can thiệp, thao túng hoạt động Công đoàn, dẫn đến nhiều ý kiến bức xúc của đoàn viên về chế độ, chính sách, cần thiết sẽ can thiệp bằng biện pháp mạnh như xem xét lại giấy phép đầu tư, thực hiện đối thoại với người lao động, kiểm chứng tình hình tại doanh nghiệp.

Thứ hai: Báo cáo với LĐLĐ tỉnh những đơn vị có các dấu hiệu can thiệp hoạt động công đoàn để LĐLĐ tỉnh đề xuất với các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Đồng thời đề xuất với cơ quan thuế tiến hành thanh kiểm tra khi quyết toán thuế để yêu cầu doanh nghiệp nộp đúng, đủ 2% kinh phí công đoàn theo quy định.

Thứ ba: Kiến nghị với LĐLĐ tỉnh báo cáo với Tổng Liên đoàn đề xuất việc sửa đổi Bộ Luật lao động và Luật Công đoàn phù hợp với thực tiễn, nhất là sửa đổi các chế tài xử lý có tác dụng đủ mạnh để điều chỉnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật lao động và Luật Công đoàn. Vì hiện tại, các hành vi phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền lợi và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động nhằm cản trở việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Nghị định 88/2015/NĐ-CP của Chính Phủ với mức phạt còn quá thấp, không có tác dụng răn đe, ngăn chặn hiệu quả.

Thứ tư: Đối với những đơn vị có dấu hiệu can thiệp về nhân sự, cần tăng cường các văn bản chỉ đạo, các cuộc làm việc trực tiếp với Ban Chấp hành, hướng dẫn cụ thể quy trình giới thiệu nhân sự bầu cử trước đại hội, quán triệt tại đại hội việc độc lập bầu chọn những người có đủ khả năng tham gia Công đoàn. Về lâu dài, cần tăng cường năng lực, giúp người lao động hiểu được vai trò, quyền của mình tại doanh nghiệp, giúp họ hiểu được Công đoàn là họ và họ chính là Công đoàn, có như vậy mới chọn được người thực sự đại diện để người lao động thực sự làm chủ tổ chức Công đoàn. Công đoàn dân chủ, độc lập mới có thể phát triển lành mạnh và góp phần làm cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh.

Đối với các đơn vị có dấu hiệu can thiệp về công tác tài chính, Công đoàn cấp trên yêu cầu kiểm tra tài chính trước khi các hoạt động lớn diễn ra; yêu cầu Ban Chấp hành độc lập, dân chủ và công khai thu chi trong hoạt động trước đoàn viên và thông tin cụ thể cho lãnh đạo doanh nghiệp.

Các cuộc làm việc tại cơ sở, nhất là các cuộc kiểm tra Điều lệ, tài chính của Công đoàn cấp trên tại CĐCS, nhất thiết phải có sự tham gia của đại diện lãnh đạo doanh nghiệp để doanh nghiệp hiểu rõ và hạn chế sự can thiệp trở lại đối với CĐCS.

Thứ năm: Xóa bỏ từng bước tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cách tiếp cận thành lập CĐCS là phải xin ý kiến người sử dụng lao động, vì đây là quyền tự do Công đoàn, tự do hiệp hội của người lao động. Người lao động chỉ cần thông báo lại và yêu cầu doanh nghiệp thừa nhận quyền đó chứ không cần phải xin phép để thực hiện quyền của mình.

Thứ sáu: Tăng cường năng lực cho cán bộ công đoàn tại cơ sở thông qua việc trang bị các kỹ năng mềm về xử lý tình huống, nắm thông tin, kỹ năng thương lượng và các kỹ năng cần thiết khác. Cán bộ công đoàn có đủ năng lực sẽ biết cách để thông tin kế hoạch hoạt động công đoàn thay vì phải xin ý kiến. Khi có đủ năng lực, cán bộ công đoàn cơ sở cũng sẽ chứng minh được hiệu quả của việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động có ý nghĩa và tác động thế nào đối với kết quả sản xuất, kinh doanh và quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Khi có đủ năng lực, cán bộ công đoàn cũng sẽ chủ động trong việc đề xuất, kiến nghị và trao đổi những nội dung còn chưa phù hợp với nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, những nội dung còn trái Luật Công đoàn với chủ doanh nghiệp.

Thứ bẩy: Tuyên truyền để các CĐCS sử dụng sức mạnh của tập thể người lao động trong việc chống lại các hành vi phân biệt đối xử và can thiệp hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp. Từ thực tế tuyển dụng lao động khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần nâng cao, doanh nghiệp luôn mong muốn hoàn thành đơn hàng đúng hoặc trước hạn để tạo uy tín với khách hàng, việc gây sức ép với doanh nghiệp từ sức mạnh tập thể để làm doanh nghiệp thay đổi cái nhìn về người lao động và hoạt động công đoàn, tiến tới loại bỏ các hành vi can thiệp, phân biệt đối xử của doanh nghiệp với người lao động và cán bộ công đoàn là việc hoàn toàn có thể tiến hành.

Thứ tám: Chủ động tranh thủ sự tác động từ các cơ quan Nhà nước, khách hàng, tăng cường giao lưu, nắm bắt và chia sẻ, tạo sự gắn kết, đồng thời thông qua hiệu quả hoạt động để giúp doanh nghiệp tự nhận thức được chân lý giản đơn: Quan tâm ủng hộ các hoạt động của công đoàn, chăm lo cho người lao động chính là đang thực hiện trách nhiệm xã hội và xây dựng uy tín, thương hiệu của mình.

Có thể nói, những hành vi can thiệp, phân biệt đối xử vì lí do Công đoàn đã gây ra tác hại lớn đối với hoạt động công đoàn, tạo tâm lý e ngại, lo sợ đối với cán bộ công đoàn và NLÐ, giảm hoặc triệt tiêu năng lực đại diện của công đoàn, làm cho công đoàn có nơi không còn đúng nghĩa là tổ chức đại diện của NLÐ. Tuy nhiên, trong thực tế, những hành vi nêu trên thường khó nhận diện vì được tạo “vỏ bọc hợp pháp”, khó tìm được chứng cứ, chứng lý nếu chỉ tiến hành kiểm tra đơn thuần. Chính vì vậy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chống lại hành vi phân biệt đối xử vì lý do công đoàn, can thiệp vào tổ chức công đoàn và quyền tự do công đoàn của người lao động là một việc làm cần thiết hiện nay.

Khi triệt tiêu được những hành vi can thiệp này, không chỉ giúp cho hoạt động công đoàn được diễn ra theo đúng chức năng, nhiệm vụ tại cơ sở, mà với tư cách là thành viên của ILO, sâu xa hơn sẽ góp phần thể hiện rõ Việt Nam đã thực hiện tốt nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và hiện thực hóa một cách có thành ý nội dung các công ước đã phê chuẩn và các công ước có liên quan đến lao động sẽ phê chuẩn trong thời gian tới./.

                                                                                                 Hồng Nhung - CĐKCN

 

  

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 0
Hôm qua : 569
Tổng số : 7.536.909