Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư chuẩn bị các hoạt động chào mừng kỷ niệm

Di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư nằm trên địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đây là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu ...

Di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư nằm trên địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đây là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, nơi phát tích sự nghiệp của 3 triều đại Đinh - Tiền Lê và khởi đầu triều Lý. Cố đô Hoa Lư không những là khu di tích có giá trị cao về mặt lịch sử - văn hóa, nơi ghi dấu ấn vẻ vang của dân tộc Việt Nam, mà còn là nơi có thắng cảnh nổi tiếng với những núi non, hang động kỳ tú, sông nước hữu tình, đã tạo cho nơi đây có nét đẹp độc đáo, nên thơ.

Với những giá trị nổi bật trên, năm 1962, Di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích Quốc gia. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt. Tháng 6 năm 2014, Di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư nằm trong vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Hiện nay, riêng tại di tích Cố đô Hoa Lư Ninh Bình đang có 03 bảo vật quốc gia là: Cột kinh chùa Nhất Trụ và 02 long sàng tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng. Đây là niềm vinh dự và tự hào không chỉ của tỉnh Ninh Bình nói chung mà còn của khu di tích Cố đô Hoa Lư nói riêng.

Khu di tích Lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và những di sản văn hóa khác ở vùng phụ cận có liên quan là kho tư liệu vô cùng quý giá của đất nước Việt Nam nói riêng và của nhân loại nói chung. Ngày nay, nhiệm vụ của những người làm công tác quản lý di tích hiện nay không chỉ là việc giữ gìn dấu ấn của kinh đô Hoa Lư nói riêng, dấu ấn lịch sử của vùng đất cổ kính này nói chung, đang được nhân dân Ninh Bình và cộng đồng cư dân ở Hoa Lư lưu giữ, mà còn phải quản lý, bảo tồn và phát huy hiệu quả nhất các giá trị của di tích phục vụ quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Để chuẩn bị tốt cho công tác phục vụ, tổ chức lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018), các hoạt động của Lễ hội Hoa Lư 2018 được tổ chức từ ngày 24 đến ngày 27/4/2018, tức ngày mùng 9 đến này 12/3 âm lịch, Trung tâm bảo tồn Di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư đã làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, đón tiếp, hướng dẫn các đoàn khách của trung ương, của tỉnh, du khách trong nước và quốc tế về tham quan di tích nhiệt tình, chu đáo, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong khu vực di tích. Một số nhiệm vụ cụ thể như:

Nhằm quảng bá tới du khách về lễ hội Hoa Lư 2018, ngay từ đầu năm Trung tâm đã triển khai thiết kế và treo băng zôn “Chào mừng kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018)” tại cổng phía Đông, cầu hội và cổng phía Bắc của di tích; đồng thời tuyên truyền, giới thiệu tới du khách tham quan về ý nghĩa, vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc; các thông tin tổ chức lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và lễ hội Hoa Lư năm 2018 thông qua đội ngũ thuyết minh viên của Trung tâm.

Trong thời gian vừa qua, Trung tâm đã phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông, báo chí, Đài truyền hình Trung ương và địa phương trong công tác tuyên truyền, quảng bá về các hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và lễ hội Hoa Lư năm 2018.

Để chuẩn bị tốt các điều kiện liên quan cho việc tổ chức Lễ kỷ niệm và Lễ hội Hoa Lư 2018 Trung tâm đã kiểm tra, rà soát: lọng vàng, ô che, mua bổ sung cờ (cán cờ nhỏ) các loại: cờ Tổ quốc, cờ Thái Bình, cờ Thiên Phúc, cờ hội; trang phục của người khiêng kiệu, múa rồng, cầm cờ, đội bát âm, người chèo thuyền; sửa chữa trống, kiệu, chấp kích, bắt bửu và rồng vải… đồng thời kiểm tra hệ thống điện, nước phục vụ cho các hoạt động trong khu vực tổ chức Lễ hội đảm bảo đúng thời gian, theo đúng kế hoạch tổ chức.

Về công tác tuyên truyền trực quan, Trung tâm đã tổ chức triển khai kéo cờ đại “Thái Bình” trên cột cờ trước sân rồng đền thờ vua Đinh; kéo cờ đại “Thiên Phúc” trên cột cờ trước sân rồng đền thờ vua Lê; kéo dãy cờ Tổ quốc xen cờ thần tại khu vực sân Lễ hội; cắm 10 cờ thần, lọng vàng 2 bên sân rồng ở mỗi địa điểm: đền thờ Vua Đinh, đền thờ vua Lê; phối hợp với các xã liên quan cắm cờ thần dọc tuyến đường vào khu vực Lễ hội, ngã ba Cầu huyện, động Thiên Tôn, núi Cột Cờ, núi Ghềnh Tháp; trên đỉnh núi Mã Yên kéo cờ Tổ quốc và cờ đại Thái Bình.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch phân công cán bộ làm công tác giữ gìn trật tự phối hợp với các lực lượng chức năng đảm bảo trật tự khi di tích; đảm bảo tuyệt đối an toàn về tài sản, hiện vật quý trong nội tự 02 đền, khu khảo cổ học, cho các đại biểu, khách du lịch và nhân dân về dự Lễ hội Hoa Lư năm 2018. Phối hợp, tạo mọi điều kiện cho đơn vị tổ chức sự kiện, các đơn vị thi công thực hiện thiết kế, thi công sân khấu, khán đài, trang trí khánh tiết, chuẩn bị âm thanh, ánh sáng sân khấu lễ khai mạc; cải tạo, tu sửa các hạng mục trong khu di tích.

Cùng với công tác đảm bảo an ninh trật tự, để tạo cảnh quan, môi trường xanh sạch, đẹp; Công đoàn duy trì phối hợp với Chi đoàn Thanh niên Trung tâm thường xuyên có kế hoạch trồng cây xanh, tổng vệ sinh trước, trong và sau Lễ hội toàn bộ khu vực sân lễ hội, đường từ cống Chẹm đến cầu Hội, địa điểm sân bóng chuyền, sân vật, đường lên núi Mã Yên…

                                                                                         Thành Đức

         


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 127
Hôm qua : 364
Tổng số : 7.533.406