Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức cơ sở Đảng trong Doanh nghiệp tại các khu công nghiệp - từ góc nhìn quản lý nhà nước

Hiện tại, Ninh Bình có 05/07 khu công nghiệp đang hoạt động, với 99/121 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, kinh doanh. 14/99 doanh nghiệp có tổ chức đảng với 762 đảng viên (4 đảng bộ và 10 chi bộ), 49/99 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, trong đó 45 CĐCS trực thuộc Công đoàn các khu công nghiệp.

Công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức cơ sở Đảng là một nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, nhằm tăng cường sức chiến đấu, tiếp tục bổ sung cho Đảng những nhân tố mới, thế hệ đảng viên mới đảm bảo sự kế thừa, phát huy, tiếp tục thực hiện sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Tuy nhiên, những số liệu trên đây đã thể hiện một phần khó khăn trong công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Ninh Bình.

Thực tế cho thấy, công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp, hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: Phần lớn công nhân lao động quan niệm mình là người làm thuê nên chỉ chăm lo đến thu nhập của bản thân, lợi ích kinh tế của gia đình; công nhân là đảng viên, sợ bị phân biệt đối xử, sợ không được sử dụng nên không công khai mình là đảng viên; một số công nhân là đảng viên, tuy làm ở doanh nghiệp nhưng vẫn sinh hoạt ở nơi cư trú vì ngại thay đổi; một số nhà đầu tư nước ngoài, chủ doanh nghiệp tư nhân do chưa hiểu đúng bản chất, vai trò, vị trí của tổ chức đảng, nên e ngại, không ủng hộ, không tạo điều kiện cho việc thành lập và hoạt động tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Ở một số doanh nghiệp, đoàn thể chưa phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ tuyên truyền xây dựng Đảng, bồi dưỡng, rèn luyện, tạo nguồn phát triển đảng viên. Một số tổ chức đảng chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, cá biệt có nơi chỉ tồn tại một cách hình thức, thực tế vẫn bị chi phối bởi sự chỉ đạo, điều hành của ban giám đốc, chủ doanh nghiệp. Việc sinh hoạt đảng ở các tổ chức cơ sở đảng chưa linh hoạt nên chưa tạo động lực để đảng viên đã được kết nạp đăng ký sinh hoạt tại doanh nghiệp. Cấp ủy, tổ chức đảng ở doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phần đông lúng túng trong xác định nội dung và phương thức hoạt động. Chưa xác định và thể hiện được vai trò trong doanh nghiệp và mối quan hệ với các thành tố trong doanh nghiệp. Ở những nơi đảng viên ít lại chủ yếu là lao động trực tiếp nên vai trò lãnh đạo của Đảng còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức.

Cùng với việc thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước, giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật, từ góc nhìn quản lý Nhà nước, Ban quản lý các khu công nghiệp đánh giá rất cao vai trò và hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, tổ chức Công đoàn, đoàn thanh niên đối với việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tạo tiền đề để các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định tình hình an ninh trật tự, thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp của tỉnh nhà. Đối với tổ chức Đảng, được thể hiện qua các phương diện sau:

1. Tổ chức cơ sở đảng phối hợp chặt chẽ với chủ doanh nghiệp lãnh đạo cán bộ, đảng viên, người lao động, các đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước các quy định, quy chế, nội quy lao động, thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp;

2. Đảng lãnh đạo tổ chức Công đoàn, đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi, chăm lo, đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên. Thông qua công tác vận động quần chúng, nắm tư tưởng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động tới chủ doanh nghiệp và lên tổ chức đảng cấp trên, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; từng bước ổn định các quan hệ lao động, hạn chế thấp nhất tình trạng lãn công, ngừng việc tập thể sảy ra trong doanh nghiệp.Vận động đảng viên, người lao động, đoàn viên, hội viên tham gia tích cực các phong trào thi đua, hoạt động nhân đạo, từ thiện.

3. Người lao động là đảng viên đều có tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tích cực học tập, rèn luyện, phát huy vai trò gương mẫu cho những người lao động khác, tiên phong trong lao động và các hoạt động tập thể tại doanh nghiệp.

4. Các doanh nghiệp có tổ chức đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của tổ chức đảng sẽ có ý thức tuân thủ các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật và thực hiện tốt hơn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

5. Tổ chức cơ sở đảng giám sát việc thực hiện pháp luật của doanh nghiệp, tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

6. Thành lập các tổ chức cơ sở đảng và kết nạp được nhiều Đảng viên là các công nhân, chủ doanh nghiệp ưu tú tại các doanh nghiệp, sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.

Việc thành lập tổ chức Đảng ở doanh nghiệp không chỉ góp phần khẳng định sức mạnh của Đảng mà còn thể hiện trách nhiệm của Đảng đối với một lực lượng quan trọng và có đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển đất nước, đó là công nhân lao động. Vì công nhân lao động là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính vì vậy, đthực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 13/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường xây dựng và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị- xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh, tại các khu công nghiệp, thời gian tới cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể như sau:

+ Đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục để chủ doanh nghiệp thấy rõ vai trò, vị trí, lợi ích của tổ chức Đảng, đoàn thể đối với hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hiểu việc thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp không mâu thuẫn với lợi ích của doanh nghiệp mà còn làm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động.

+ Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, tạo tiền đề cho công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng.

+ Đối với các doanh nghiệp đã có tổ chức đảng, các chi bộ, đảng bộ cần quan tâm đến các nội dung:

- Xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ mối quan hệ công tác giữa bí thư cấp ủy với lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức, đoàn thể trong doanh nghiệp. Những hoạt động và việc làm cụ thể của tổ chức Đảng, các đoàn thể phải gắn với lợi ích và sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của chủ doanh nghiệp, tạo sự gắn kết giữa đảng viên, tổ chức Đảng với hoạt động doanh nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ doanh nghiệp và NLĐ.

- Định kỳ sơ kết rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương những tổ chức, cá nhân tiêu biểu để nhân rộng. Chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp thông qua nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, đặc biệt là bí thư cấp ủy. Quan tâm đẩy mạnh việc tìm, bồi dưỡng quần chúng và làm tốt công tác phát triển đảng viên.

- Mạnh dạn đổi mới hình thức và phương pháp sinh hoạt, hoạt động, tập trung lãnh đạo để mọi đảng viên trong chi bộ, đảng bộ đều hướng tới hoàn thành tốt nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị, hăng hái tham gia các phong trào thi đua lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hiện nghiêm kỷ luật lao động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chia sẻ với doanh nghiệp khi doanh nghiệp gặp khó khăn, thấy được sự phát triển của doanh nghiệp gắn liền với quyền lợi của người lao động.

- Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy cấp trên, tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp, với người lao động, kịp thời đề xuất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong lao động tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động.

+ Đối với các doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng:

- Công đoàn nắm tình hình, rà soát số đảng viên đang làm việc trong doanh nghiệp, nhưng vẫn sinh hoạt đảng nơi khác, nếu đủ điều kiện, đề xuất thành lập chi bộ. Nếu chưa đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ thì phân công uỷ viên Ban Chấp hành quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp.

- Tích cực tuyên truyền về lợi ích khi là đảng viên. Chăm lo xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh để thông qua các hoạt động của đoàn thể, kịp thời phát hiện và bồi dưỡng “hạt giống mới” cho Đảng.

Cùng với sự chỉ đạo của Đảng uỷ khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trong công tác phát triển đảng, những giải pháp sơ bộ trên đây sẽ góp phần tích cực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu về công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

                            

Vũ Hà – Uỷ viên BCH CĐ Ban Quản lý các khu công nghiệp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 491
Hôm qua : 870
Tổng số : 7.542.328