Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp trong công tác đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định tại CFG

Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân viên chức, lao động là quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn. Điều đó được ghi trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và Luật Công đoàn. Đây cũng là mong muốn, nguyện vọng của CNVC, LĐ, là chức năng số một của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Hiện tại, mô hình của tổ chức Công đoàn Việt Nam là mô hình hình tháp với 4 cấp từ trung ương đến cơ sở. Tại cấp cơ sở, chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được thể hiện sinh động, đa dạng nhất, nhưng hiện nay ở cấp cơ sở, hầu hết cán bộ công đoàn đều hoạt động kiêm nhiệm.

Trong doanh nghiệp, cán bộ công đoàn cơ sở ngoài bận việc chuyên môn còn thường xuyên biến động; một số cán bộ CĐ chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng còn hạn chế. Ở những doanh nghiệp FDI còn có thêm khó khăn từ rào cản ngôn ngữ. Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến sản xuất, chưa tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động, còn tình trạng vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động, nợ đọng bảo hiểm. Trong khi đó, công nhân làm việc trong doanh nghiệp được đào tạo qua các trường học chính quy tỷ lệ thấp, phần lớn là học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông trung học và nông dân. Vì thế, nhận thức của một số công nhân có phần hạn chế, việc nắm các quy định về pháp luật còn ở mức độ, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp chưa cao. Do vậy, trong doanh nghiệp vẫn còn xảy ra ngừng việc tập thể tự phát không tuân theo quy định của pháp luật, quan hệ lao động dễ bị phá vỡ, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn định.

Thực trạng trên, đòi hỏi công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp của Công đoàn càng cần phải được xem trọng và phát huy.

Tại Công đoàn Công ty TNHH Kính nổi Hạ Long CFG, cán bộ công đoàn cũng hoạt động kiêm nhiệm, vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, Ban Chấp hành đã tổ chức và đạt được một số kết quả. Nhờ vậy, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp. Ngoài việc đề xuất doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Công đoàn Công ty tranh thủ các điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất như sân bóng, khuôn viên công ty rộng rãi, nhà ăn sạch đẹp, Ban Chấp hành đã đề xuất doanh nghiệp cho tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, các buổi gặp mặt liên hoan văn nghệ, tặng quà cho đoàn viên, người lao động trong công ty. Trước khi tổ chức các hoạt động chăm lo đó, Ban chấp hành bàn bạc, tính toán về thời điểm tổ chức, xây dựng kế hoạch cụ thể trên cơ sở rà soát nguyện vọng của đoàn viên, đề xuất và nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp. Do vậy, các hoạt động tổ chức đều không ảnh hưởng sản xuất và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên. Qua 05 năm hoạt động, quan hệ lao động tại Công ty TNHH Kính nổi Hạ Long – CFG ngày càng thêm ổn định, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động được đảm bảo, không xảy ra tình trạng khiếu kiện khiếu nại tại doanh nghiệp.

Từ kinh nghiệm thực tế thực hiện công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định trong Công ty CFG, Công đoàn CFG rút ra một số kinh nghiệm là:

Trước hết, Công đoàn cần phải hiểu sâu, nắm chắc tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của đoàn viên. Có như vậy, mới biết được họ đang muốn gì, có vướng mắc gì cần chia sẻ, tháo gỡ, hỗ trợ. Hiểu được đoàn viên, cán bộ công đoàn sẽ đại diện đề xuất giải quyết, xử lý vướng mắc phát sinh, chăm lo cụ thể và thiết thực với mong muốn của đoàn viên trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần cho đoàn viên.

Thứ hai: Công đoàn cần phải thực hiện tốt nhiệm vụ là cầu nối nguyện vọng của hai bên doanh nghiệp và đoàn viên. Tuyên truyền để người lao động sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp khi doanh nghiệp cần và người sử dụng lao động sẵn sàng chia sẻ lại lợi ích với người lao động khi sản xuất, kinh doanh có lãi. Và trong vai trò là cầu nối, cần thể hiện chính kiến, quan điểm rõ ràng, kiên quyết đề nghị doanh nghiệp phải thực hiện nếu đó là nội dung được pháp luật quy định và mềm mỏng phân tích nếu đề xuất của người lao động không hợp pháp, hợp lý, hợp tình.

Thứ ba: Cần xác định rõ nội dung cụ thể trong nhiệm vụ đại diện, chăm lo là gì.

 Từ phương diện đại diện, Công đoàn sẽ đại diện cho đoàn viên, người lao động ở những nội dung gì, cách thức đại diện như thế nào, làm thế nào biết nguyện vọng của họ để đại diện.

 Từ khía cạnh chăm lo, Công đoàn sẽ chăm lo như thế nào ở góc độ vật chất (quyền lợi, phúc lợi), chăm lo ra sao ở góc độ tinh thần. Khi xác định được điều đó, Công đoàn cơ sở sẽ có các chương trình, kế hoạch hoạt động với nội dung phù hợp, giúp đạt được kết quả cao nhất.

Đồng thời, ngoài những quy định trong pháp luật lao động, Luật Công đoàn về trách nhiệm đại diện, công đoàn cũng cần xác lập rõ ràng cơ sở để đảm bảo cho việc đại diện tại doanh nghiệp thông qua quy chế phối hợp, quy chế dân chủ, thỏa ước lao động tập thể. Có như vậy, công đoàn cơ sở mới đủ tự tin để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Thứ tư: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động của Công đoàn tại doanh nghiệp đều là do cán bộ công đoàn cơ sở thực hiện. Do vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, cán bộ công đoàn cần tích cực tự học hỏi, nghiên cứu, trau dồi để nắm chắc chế độ, chính sách theo quy định của luật pháp, có như thế mới đề xuất ý kiến đóng góp, xây dựng, điều chỉnh, thay đổi những nội dung có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động. Cán bộ công đoàn cơ sở phải là một tập thể đoàn kết, có năng lực, dám làm, dám chịu trách nhiệm và có một số kỹ năng mềm thì mới thực hiện tốt nhiệm vụ thương lượng, đàm phán với chủ doanh nghiệp, mới tranh thủ được sự tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, vật chất của doanh nghiệp trong tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động.

Trước yêu cầu tiếp tục đổi mới hoạt động công đoàn, để nhiệm vụ này trong nhiệm kỳ tới tại cơ sở được thực hiện tốt hơn, cũng cần quan tâm đến một số giải pháp khác xuất phát từ sự hỗ trợ của Công đoàn cấp trên, đó là:

1. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng mềm cho cán bộ công đoàn, trong đó mở rộng thêm việc tổ chức các cuộc trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm từ tình huống thực tiễn giữa các đơn vị trong các khu công nghiệp và các cán bộ công đoàn trong các loại hình doanh nghiệp.

2. Công đoàn các khu công nghiệp phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý khu công nghiệp, cơ quan chức năng trong việc thanh tra kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của các đơn vị doanh nghiệp có công đoàn cơ sở trực thuộc để từ đó nắm bắt được những điểm hạn chế, khó khăn của Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp và có định hướng, giải phải phù hợp để hỗ trợ Công đoàn cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ chức năng của mình

3. Phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp trong việc theo dõi các đơn vị thực hiện xây dựng và ban hành Quy chế thực hiện dân chủ tại cơ sở, Thỏa ước lao động tập thể. Đặc biệt, cần nắm rõ nội dung, chất lượng của các văn bản này, để từ đó có giải pháp định hướng, hỗ trợ phù hợp cho các đơn vị, nhất là các đơn vị có quy chế, Thỏa ước chất lượng chưa cao. Đây cũng là tiền đề hỗ trợ tốt hơn giúp công đoàn cơ sở có điều kiện thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động.

Chức năng, nhiệm vụ chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động là một nhiệm vụ khó khăn, vì thực tế mỗi doanh nghiệp, mỗi đơn vị có đặc thù sản xuất, năng lực tài chính, quan điểm về phúc lợi cho đoàn viên khác nhau. Chính vì vậy, rất cần có sự đoàn kết, linh hoạt và sáng tạo của cán bộ công đoàn tại cơ sở và sự hỗ trợ kịp thời, phù hợp của Công đoàn cấp trên đối với từng đơn vị. Có như vậy, công tác đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định trong doanh nghiệp mới đạt kết quả tốt đẹp cả về chiều rộng và bề sâu./.

Phan Tiến Dũng – Chủ tịch CĐCS


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 610
Hôm qua : 788
Tổng số : 7.543.085