Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Ngọc - Bông hoa tô thắm Ngành Y

Nếu ai đã từng một lần tiếp xúc với bác sỹ Nguyễn Thị Kim Ngọc- Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình chắc hẳn sẽ in đậm những ấn tượng khó phai về ...

Nếu ai đã từng một lần tiếp xúc với bác sỹ Nguyễn Thị Kim Ngọc- Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình chắc hẳn sẽ in đậm những ấn tượng khó phai về thái độ hòa nhã, chu đáo đầy nhiệt tình của một bác sĩ đã hơn hai mươi năm gắn bó với việc chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Tốt nghiệp hệ nội nhi Trường Đại học Y Hà Nội năm 1987, bác sỹ Nguyễn Thị Kim Ngọc về công tác tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình nay là bệnh viện Sản Nhi tỉnh. Con đường theo ngành y mà chị Ngọc đã lựa chọn từ đam mê của tuổi trẻ đã gắn bó với chị như cơ duyên của cuộc đời vậy. Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc chia sẻ: “Trước đây, nhiều sinh viên y không muốn lựa chọn theo chuyên ngành nhi vì là một chuyên ngành khó. Đối tượng bệnh nhân của mình chưa thể nói nhưng nếu mình đặt nhiệt huyết, cảm nhận của mình vào bệnh nhân thì chúng ta sẽ nghe được những lời nói đó. Mỗi lần chữa trị thành công cho bệnh nhi, tôi thấy nặng lòng với nghề hơn, bởi còn rất nhiều bệnh nhân cần tới chúng tôi. Từ đó, tôi đã chọn theo chuyên ngành này và gắn bó với nghề hơn 20 năm nay.”

Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Ngọc đang chăm sóc bệnh nhân sơ sinh

Những ngày đầu về bệnh viện công tác, cơ sở vật chất của khoa Nhi thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của người bệnh, bệnh nhân thường xuyên phải chuyển tuyến trên. Khoa Nhi chỉ có 10 giường bệnh, trong khi bệnh nhân rất đông, có ngày bệnh nhân phải ghép giường. Sau đó, Bệnh viện tăng chỉ tiêu lên 25 giường bệnh vẫn không đủ bởi trung bình một ngày có khoảng 40-50 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại Khoa, có những ngày tới 80-90 bệnh nhân. Công việc nhiều, áp lực lớn bởi đặc thù bệnh nhân nhi rất đặc biệt nên mỗi y, bác sỹ ở khoa không có ai thể lường trước những sự cố có thể xảy ra, chỉ cần lơ là, chủ quan một chút là có thể gây nên những tai biến nguy hiểm cho bé. Chính vì vậy mà các y bác sĩ trong khoa luôn phải tập trung cao độ cho công việc.

Năm 2010, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh được tách ra từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Khoa Sơ sinh được thành lập, chị được giao nhiệm vụ trưởng khoa, một lúc đảm nhiệm cả công tác chuyên môn lẫn quản lý. Ngay từ những ngày đầu, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhất là về nhân lực, lĩnh vực chuyên môn sâu còn hạn chế, chị đã cùng các y bác sĩ trong khoa tích cực triển khai nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các kỹ thuật mới trong hoạt động khám, chữa bệnh như: Hạ thân nhiệt chỉ huy (Làm mát não bệnh nhân), bơm Surfactant trong điều trị bệnh màng trong của trẻ sơ sinh, thông khí áp lực dương liên tục (CPAP) trong điều trị suy hô hấp ở trẻ đẻ non, giữ ẩm cơ thể cho trẻ đẻ non... Kết quả thu được rất khả quan, khoa Sơ sinh đã điều trị được nhiều ca bệnh nặng, nuôi sống được nhiều bệnh nhi sơ sinh non tháng có cân nặng từ 700g trở lên.

Với bác sỹ Ngọc, việc chăm sóc tận tình có tác động tích cực, đem lại hiệu quả giúp bệnh nhi phát triển tốt. Song điều quan trọng hơn đối với một người thầy thuốc đó là làm thế nào cứu sống được những trẻ sinh non và tránh để lại những di chứng đáng tiếc có thể xảy ra về sau cho trẻ. Cũng chính từ câu hỏi tự đặt ra cho mình như thế, chị đã có nhiều sáng kiến, nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực nhi khoa nhằm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Từ năm 2010 đến nay, chị Ngọc đã có 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được triển khai ứng dụng có hiệu quả cao. Nhiều đồng nghiệp đang công tác trong ngành Y đều có chung nhận xét: Các đề tài nghiên cứu đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong điều trị bệnh nhân sơ sinh, giảm ngày điều trị của người bệnh. Nếu hai năm trước, Ninh Bình là tỉnh có số lượng bệnh nhi chuyển tuyến cao trong các bệnh viện tuyến tỉnh toàn quốc. Đến nay, bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình có tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến thấp nhất. Nhờ đó, bệnh viện Sản-Nhi Ninh Bình không chỉ điều trị cho nhân dân trong tỉnh mà còn thu hút bệnh nhân thuộc các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Thanh Hóa... đến khám, chữa bệnh.

Với sự điều hành khoa học, khoa sơ sinh luôn là một trong những đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không xảy ra hiện tượng phàn nàn về thái độ ứng xử. Khi được hỏi: Quan điểm của chị về vấn nạn phong bì và y đức nghề nghiệp chị cho biết: “Tôi nghĩ đạo đức nghề nghiệp là điều mà bất cứ ngành nào cũng phải có. Ở ngành y càng đòi hỏi cao hơn vì chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, mang lại sự sống cho người bệnh. Không phủ nhận trong xã hội hiện nay, một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế bị các giá trị vật chất làm xa rời tôn chỉ, mục đích cao quý của nghề trị bệnh cứu người. Nhưng theo tôi, đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ”.

Những năm tháng làm việc tại bệnh viện Sản Nhi tỉnh, chị đã mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc cho không biết bao nhiêu ông bố, bà mẹ khi cứu sống con họ thoát khỏi cái chết bằng những quyết định chính xác của mình. Chị Nguyễn Thị Vân có con đang điều trị tại khoa sơ sinh tâm sự: “Nếu không có các bác kịp thời cấp cứu thì chúng tôi không biết xoay sở thế nào".

 Tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, năm 2010, bác sỹ Nguyễn Thị Kim Ngọc được đề bạt giữ chức Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện. Dù ở cương vị nào, năng lực của chị cũng được khẳng định bằng chất lượng công việc. Đối với đồng nghiệp, chị luôn hướng dẫn, trao đổi chia sẻ những kinh nghiệm trong nghề và cùng các bác sỹ trẻ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động chuyên môn tại các khoa, phòng chị quản lý. Là Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện, chị đã cùng Ban Chấp hành Công đoàn phấn đấu đưa tổ chức Công đoàn Bệnh viện ngày càng vững mạnh, thiết thực chăm lo quyền và lợi ích của đoàn viên công đoàn. Vì thế, Công đoàn Bệnh viện Sản - Nhi từ ngày thành lập đến nay đều được công nhận là công đoàn vững mạnh xuất sắc. Năm 2012, Công đoàn Bệnh viện Sản-Nhi là công đoàn tiêu biểu, được Công đoàn Ngành đề nghị Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen.

Không chỉ giỏi việc nước, chị còn là người vợ, người mẹ đảm việc nhà. Với những thành tích đó, nhiều năm chị là bác sỹ tiêu biểu của ngành Y tế Ninh Bình, nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của Sở Y tế, UBND tỉnh. Năm 2012, chị được tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” và Bộ Y tế tặng Bằng khen; được Hội đồng thi đua khen thưởng ngành Y tế tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen./.

Phạm Thúy Hà

PCT Công đoàn ngành Y tế


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 11
Hôm qua : 374
Tổng số : 7.537.305