Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công ty CP sx ô tô Hyundai Thành Công VN: Lợi ích cho ĐVCĐ bắt đầu từ giá trị bữa cơm ca

Hiện nay, an toàn thực phẩm là vấn đề hết sức phức tạp nên được nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức quan tâm. Từ tháng 02 năm 2016, Tổng Liên đoàn ban hành Nghị quyết 7C về đảm bảo chất lượng bữa cơm ca ...

Hiện nay, an toàn thực phẩm là vấn đề hết sức phức tạp nên được nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức quan tâm. Từ tháng 02 năm 2016, Tổng Liên đoàn ban hành Nghị quyết 7C về đảm bảo chất lượng bữa cơm ca cho người lao động, quy định cụ thể mức cơm ca yêu cầu các công đoàn cơ sở đề xuất doanh nghiệp phải đảm bảo mỗi suất ăn từ 15.000 đồng trở lên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là Nghị quyết mang tính áp dụng, chưa có văn bản, chế tài nào xử lý những doanh nghiệp cố tình không quan tâm đến chất lượng cơm ca của người lao động. Chính vì vậy, thời gian qua, cả nước vẫn có nhiều vụ ngộ độc thức ăn trong các doanh nghiệp do nhiều nguyên nhân từ phía chủ quan người lao động, nhà cung cấp dịch vụ, nhà thầu. Nhiều doanh nghiệp thực hiện định mức suất ăn cho người lao động quá thấp, không đảm bảo dinh dưỡng, tái tạo sức lao động.

Đối với Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (Công ty liên doanh giữa Công ty cổ phần tập đoàn Thành Công và Công ty ô tô Hyundai Hàn Quốc, thành lập từ tháng 12 năm 2016 tại Khu công nghiệp Gián khẩu) bữa ăn ca cho người lao động được xác định có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ sức khỏe, tái sản xuất sức lao động của người lao động nên Ban Chấp hành đặc biệt quan tâm, coi đó là một trong những nội dung cụ thể bảo vệ quyền lợi của người lao động tại doanh nghiệp. Ban Chấp hành Công đoàn Công ty luôn trăn trở đề xuất cải tiến nhiều biện pháp để đảm bảo dinh dưỡng, định mức khẩu phần, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong mỗi bữa ăn ca.

Hiện tại, bữa cơm ca của đoàn viên, người lao động trong Công ty trị giá khoảng 25.000 đồng (bao gồm cả chi phí gas, điện, nước, gia vị), với 2 món chính, 1 món phụ, 1 món rau, cơm, canh và trái cây tráng miệng. Bếp ăn Công ty với 30 lao động, trong đó có 01 người có trình độ đại học chuyên ngành thực phẩm, 10 người có trình độ trung cấp chế biến món ăn, 19 lao động giản đơn, định kỳ được đào tạo ATVSTP. Trong 10 năm phục vụ ăn ca cho người lao động, bếp ăn tập thể của Công ty đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm nên không có tình trạng ngộ độc thực phẩm, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, góp phần nâng cao sức khoẻ cho người lao động.

Với mục tiêu đảm bảo chất lượng bữa cơm ca như chất lượng bữa cơm gia đình, tránh nhàm chán về khẩu vị, Công đoàn đề xuất lập thực đơn hàng tuần, có ký duyệt của trưởng phòng hành chính trước khi thực hiện. Đồng thời căn cứ vào lượng thức ăn thừa hoặc phản ánh của đoàn viên, người lao động để kịp thời thay đổi thực đơn. Định kỳ 6 tháng, Công đoàn phối hợp với phòng hành chính nhân sự tổ chức lấy ý kiến người lao động về thực đơn. Khi một món ăn có dưới 50% ý kiến yêu thích sẽ bị loại bỏ khỏi thực đơn. Hiện tại, mỗi ca sản xuất được bố trí 2 thực đơn khác nhau để người lao động được lựa chọn. Ban Chấp hành Công đoàn thành lập ban kiểm soát chất lượng bữa ăn. Trong đó, phân công rõ nhiệm vụ ít nhất 1 lần/tháng kiểm tra định kỳ thực tế tại bếp ăn tập thể. Nếu có vi phạm về các tiêu chí số lượng, chất lượng, giá thực phẩm, ATVSTP, việc áp dụng thực đơn theo biểu mẫu... sẽ phản ánh trực tiếp đến quản lý bếp ăn, trưởng phòng Hành chính nhân sự, Chủ tịch công đoàn để thay đổi. Công đoàn cũng đề xuất Công ty yêu cầu phòng Y tế của nhà máy kiểm soát việc lưu mẫu thức ăn, kiểm tra đột xuất, làm các mẫu thử nhanh lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ và lượng hàn the trong giò chả,…Trường hợp không đạt về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định sẽ yêu cầu nhà cung cấp đổi trả, hoặc huỷ hợp đồng.

Chính vì vậy, thời gian qua, chất lượng bữa cơm ca của người lao động trong Công ty luôn được đảm bảo, được lãnh đạo doanh nghiệp và đoàn viên, người lao động đánh giá cao. Bếp ăn của Công ty được đánh giá là một trong những bếp ăn đạt chất lượng tốt trong các khu công nghiệp cả về giá trị và mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm.  

Để có được những kết quả đó, ngay từ thời điểm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Công đoàn đã đề xuất lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm đầu tư thiết bị chuyên nghiệp, đảm bảo tiêu chuẩn bếp ăn/nhà ăn công nghiệp, có thể phục vụ 2000 người/ca. Do công ty bố trí bếp ăn, lao động làm việc tại bếp ăn thuộc quản lý của phòng Hành chính nhân sự nên Công đoàn đã đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp ký quyết định phân rõ nhiệm vụ cụ thể của từng cá nhân. Đồng thời, Công đoàn phối hợp với phòng hành chính nhân sự thực hiện tốt các nội dung như:

- Xây dựng Quy trình quản lý bếp ăn tập thể, trong đó quy định cụ thể các bước thực hiện từ khâu lựa chọn thực phẩm, nhập thực phẩm, sơ chế, chế biến, phân chia suất ăn và kiểm soát lượng thức ăn tồn.

- Kiểm soát về giá, số lượng, chất lượng thực phẩm thông qua việc thường xuyên khảo sát thị trường để so sánh; tìm, lựa chọn các nhà cung cấp tiềm năng, gần khu vực công ty; cùng một loại thực phẩm nhưng ký hợp đồng với ít nhất 2 nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung cấp và cạnh tranh về giá cả.

- Nêu rõ các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng để dễ dàng xử lý những vi phạm của nhà cung cấp thực phẩm. Yêu cầu cán bộ quản lý bếp ăn công ty phải định kỳ đến trực tiếp cơ sở cung cấp thực phẩm để kiểm tra, đánh giá chất lượng và mức độ an toàn.

Việc tham gia quản lý, giám sát chất lượng bữa cơm ca tại doanh nghiệp của Công đoàn Công ty đã tạo nên những lợi ích thiết thực, cụ thể cho người lao động, nhân được sự đồng thuận, ủng hộ của cả doanh nghiệp và người lao động.

Từ thực tế của Công đoàn Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam, có thể nhận thấy, để nâng cao và đảm bảo giá trị bữa cơm ca tại tất cả các doanh nghiệp, thời gian tới cần bổ sung vào luật những quy định bắt buộc về môi trường, nhiệt độ bảo quản, chế biến đồ ăn, yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp bữa ăn giữa ca cho người lao động, mức thấp nhất bằng 0,6% tiền lương tối thiểu vùng. Yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí bếp ăn/nhà ăn tập thể, tự tổ chức nấu và phục vụ cơm ca để đảm bảo tốt việc kiểm soát và nâng cao chất lượng cơm ca, góp phần tái tạo sức lao động cho đoàn viên, người lao động. Vì hiện nay, đã có quy định về mức lương tối thiểu vùng, có quy định phụ cấp độc hại cụ thể cho từng loại hình, điều kiện lao động nhưng chưa có quy định cụ thể cho mức ăn tối thiểu cho 01 suất ăn từng loại hình/điều kiện lao động.

Bên cạnh đó, để bảo đảm ATVSTP, các cơ quan chức năng của Nhà nước cần tăng cường công tác tuyên truyền, xử phạt đối với các cá nhân, nhà cung cấp cung cấp thực phẩm không đảm bảo chất lượng và độ an toàn. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất các bếp ăn tập thể, công ty cung cấp thực phẩm để kịp thời phát hiện vi phạm và xử phạt nghiêm. Tăng cường tuyên truyền để người lao động ăn cơm ca tập trung tại doanh nghiệp, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ từ nguồn thực phẩm không rõ nguồn cung cấp hoặc từ thức ăn tự mang đi không được bảo quản đúng quy định.

Để tăng cường giá trị bữa cơm ca, Công đoàn cấp trên cần thường xuyên cập nhật thông tin về các nhà cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn, có uy tín và giá thành tốt, phù hợp với cơm ca của người lao động để từ đó ban hành văn bản khuyến khích tăng giá trị tối thiểu bữa cơm ca cho người lao động. Đề xuất với các cơ quan ban ngành liên quan xây dựng cẩm nang về ATVSTP tại doanh nghiệp để mỗi bếp ăn tập thể có thể căn cứ vào đó xây dựng thực đơn đủ dinh dưỡng phù hợp với tính chất công việc của đơn vị, sao cho các nhóm thực phẩm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất được sử dụng đủ trong mỗi suất ăn; các loại thực phẩm được phối- ghép khoa học, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Hướng dẫn các CĐCS tham gia giám sát bữa ăn ca tại doanh nghiệp. Quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm giữa các CĐCS trong giám sát chất lượng bữa cơm ca.

Cùng với Ban Chấp hành Công đoàn, việc giám sát chất lượng thực phẩm, giá trị bữa cơm ca tại doanh nghiệp cũng nên có sự tham gia của đoàn viên, người lao động, các tổ chức quần chúng tại doanh nghiệp. Có như vậy, bữa cơm ca mới được đảm bảo tốt hơn, khẩu phần ăn mới đảm bảo tái tạo sức khoẻ cho người lao động.

Tất cả các giải pháp trên nếu được kết hợp thực hiện đồng bộ sẽ mang lại hiệu quả cao trong quá trình tổ chức bữa cơm ca cho người lao động. Lợi ích mà người lao động được hưởng khi tham gia lao động tại doanh nghiệp bắt đầu từ những điều cụ thể, thiết thực nhất, đó là bữa cơm ca.

                                                                                                               Minh Tuyên


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 182
Hôm qua : 729
Tổng số : 7.535.603