A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số giải pháp huy động doanh nghiệp ủng hộ hoạt động công đoàn trong các KCN Ninh Bình

Hiện nay, Công đoàn các khu công nghiệp đang quản lý 35 CĐCS trong 04 khu công nghiệp, trong đó 34 CĐCS doanh nghiệp ngoài Nhà nước và 01 CĐCS thuộc khối HCSN với tổng số lao động 27.480 lao động, ...

Hội nghị tọa đàm các biện pháp thúc đẩy sự ủng hộ, hỗ trợ của doanh nghiệp trong hoạt động công đoàn (năm 2018)

Hiện nay, Công đoàn các khu công nghiệp đang quản lý 35 CĐCS trong 04 khu công nghiệp, trong đó 34 CĐCS doanh nghiệp ngoài Nhà nước và 01 CĐCS thuộc khối HCSN với tổng số lao động 27.480 lao động, tổng số đoàn viên 22.819 đoàn viên (tính đến hết tháng 8/2019).

Trong những năm qua, hoạt động Công đoàn tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã đạt được nhiều kết quả, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, chăm lo tốt cho đoàn viên, người lao động; một số CĐCS đã tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, một số đồng chí cán bộ công đoàn cơ sở rất nhiệt tình, trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động, làm tốt chức năng của công đoàn trong công tác tuyên truyền vận động, đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động nhất là trong các doanh nghiệp FDI. Vai trò của cán bộ công đoàn, hiệu quả hoạt động của công đoàn đã được khẳng định trong doanh nghiệp, tạo được niềm tin đối với đoàn viên, người lao động.

Có 01/34 CĐCS được doanh nghiệp bố trí 01 cán bộ công đoàn chuyên trách, 01 BCH CĐCS được doanh nghiệp hỗ trợ thêm phụ cấp hằng tháng từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp, với mức 300.000 -1,5 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, kết quả hoạt động Công đoàn tại một số doanh nghiệp trong các KCN chưa tương xứng với tiềm năng, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp chưa thực sự ổn định, hài hòa mà nguyên nhân có cả yếu tố chủ quan và khách quan.

Tiếp cận nguyên nhân khách quan từ phía chủ doanh nghiệp có thể nhận thấy: Một số doanh nghiệp chưa quan tâm, tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động theo Điều 22 của Luật Công đoàn; chưa tạo điều kiện thời gian cho cán bộ công đoàn hoạt động, một số doanh nghiệp không tạo điều kiện, cử cán bộ dự họp, tập huấn nghiệp vụ, giao lưu học tập kinh nghiệm; một số doanh nghiệp thậm chí còn can thiệp sâu vào công tác nhân sự Ban chấp hành công đoàn và tài chính công đoàn, gây ra nhiều ý kiến bức xúc trong đoàn viên, NLĐ. 05/34 doanh nghiệp chưa thực hiện việc trích nộp kinh phí công đoàn nên công đoàn cơ sở không có nguồn tài chính để hoạt động.

Từ góc độ chủ quan của cán bộ công đoàn, có thể thấy rõ 33/34 doanh nghiệp cán bộ công đoàn hoạt động kiêm nhiệm, thực hiện hợp đồng lao động và hưởng các chế độ như những lao động khác trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đa số cán bộ công đoàn có tuổi đời rất trẻ, chủ yếu mới tham gia công tác công đoàn lần đầu, kinh nghiệm còn ít. Cùng với đó, việc nâng cao năng lực bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ còn hạn chế, thụ động. Ở một số cán bộ công đoàn, cũng còn có tình trạng chưa linh hoạt trong tổ chức hoạt động, chưa biết tranh thủ các điều kiện thuận lợi của doanh nghiệp, nên chưa khẳng định được vai trò đối với doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động của BCH còn thấp so với kỳ vọng của đoàn viên, người lao động, chủ doanh nghiệp và Công đoàn các khu công nghiệp.

Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, đặt ra nhiều thách thức mới đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Do đó, việc đổi mới, nâng cao và phát huy vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn nhất là CĐCS tại doanh nghiệp là một yêu cầu tất yếu.

Trong các giải pháp đồng bộ nâng cao hiệu quả, tạo đột phá trong hoạt động công đoàn tại cơ sở thì việc huy động sự quan tâm ủng hộ, hỗ trợ của doanh nghiệp đối với hoạt động công đoàn có thể coi là một giải pháp quan trọng cần phải được quan tâm đúng mức.

Để có thể tranh thủ được sự quan tâm, tạo điều kiện của doanh nghiệp, trước hết cần quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, vì cán bộ là cái gốc của mọi việc. Đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ công đoàn không thể không tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị các kỹ năng mềm. Khi cán bộ công đoàn cơ sở có năng lực, kỹ năng tốt sẽ có khả năng huy động được nhiều nguồn lực, tranh thủ được nhiều điều kiện thuận lợi từ doanh nghiệp trong quá trình tổ chức hoạt động Công đoàn tại cơ sở.

Thứ hai: Tăng cường sự hỗ trợ trực tiếp từ Công đoàn cấp trên tới từng hoạt động, nhất là các hoạt động lớn của Công đoàn cơ sở. Giúp cán bộ công đoàn cơ sở hình thành thói quen xây dựng chương trình công tác, dự kiến cụ thể về nội dung, thời gian, địa điểm, phương tiện, nguồn lực tài chính và nhân sự cho mỗi hoạt động để đề xuất doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện; làm cho doanh nghiệp hiểu doanh nghiệp có được lợi ích gì qua mỗi hoạt động đó. Cốt lõi trong việc tranh thủ sự tạo điều kiện, thậm chí tranh thủ ủng hộ tài chính của doanh nghiệp là chứng minh được hiệu quả hoạt động công đoàn tác động trở lại đối với việc ổn định mối quan hệ lao động, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp.

Thứ ba: Tăng cường tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với các đơn vị bạn trong các khu, trong cùng ngành nghề sản xuất, nhất là chia sẻ kinh nghiệm giúp cán bộ công đoàn cơ sở biết tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác, đặc biệt là các khách hàng thông qua kiểm xưởng (ở các doanh nghiệp FDI), dựa vào sự ủng hộ của người lao động, đồng thời biết vận dụng thời điểm vàng để đưa ra các đề xuất và thương lượng với doanh nghiệp (đơn hàng gấp, khó tuyển dụng lao động) để nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp.

Thứ tư: Công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, tạo sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn với NSDLĐ như: Tổ chức tôn vinh doanh nghiệp vì người lao động; gặp gỡ, chúc mừng ngày doanh nhân Việt Nam, ngày thành lập doanh nghiệp; tổ chức các cuộc giao lưu – đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền, tổ chức công đoàn, người sử dụng lao động với NLĐ…

Thứ năm: Tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, Ban quản lý các KCN trong việc chỉ đạo doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật lao động và Luật Công đoàn.

Thứ sáu: Đề xuất ý kiến, tham gia sửa đổi Bộ Luật lao động và Luật Công đoàn phù hợp với thực tiễn, đảm bảo pháp luật lao động và Luật Công đoàn thực thi có hiệu quả trong thực tế, trong đó cần có chế tài đủ mạnh để điều chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật lao động và luật công đoàn, đồng thời phát huy hiệu quả công tác tham gia thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn (đặc biệt công tác phúc tra) tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.

Nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn tiếp cận dưới góc độ tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo doanh nghiệp, mà cốt yếu là thay đổi nội lực của chính cán bộ công đoàn cơ sở - bộ máy tổ chức Công đoàn tiếp xúc thường xuyên và gần với doanh nghiệp nhất - là một trong những hướng đi có ý nghĩa tác động trực tiếp. Chính vì vậy, cần có sự quan tâm đúng mức để có các hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp và hiệu quả tại cơ sở.

                                                                                                        Phùng Minh Chung - CĐKCN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 10
Hôm qua : 169
Tổng số : 7.615.341