Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một vài suy nghĩ về thương lượng thoả ước lao động nhóm

Thoả ước lao động khối/nhóm/ngành (sau đây gọi chung là nhóm) là các doanh nghiệp có cùng ngành, nghề trong khối, nhóm có chung một thoả ước lao động tập thể. Doanh nghiệp cùng ngành nghề hoặc một số ...

Thoả ước lao động khối/nhóm/ngành (sau đây gọi chung là nhóm) là các doanh nghiệp có cùng ngành, nghề trong khối, nhóm có chung một thoả ước lao động tập thể. Doanh nghiệp cùng ngành nghề hoặc một số đặc điểm chung có các nội dung quy định về chế độ được xây dựng tương đối giống nhau, nếu bắt tay ký kết thoả ước nhóm sẽ góp phần làm ổn định quan hệ lao động, tạo sự hài lòng của người lao động và người sử dụng lao động, thúc đẩy năng suất, chất lượng sản xuất kinh doanh, quảng bá “thương hiệu” của các doanh nghiệp tham gia thoả ước nhóm. Việc các doanh nghiệp tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm sẽ tạo ra mặt bằng chung về thỏa thuận giữa tập thể người lao động và chủ sử dụng lao động hoạt động cùng một khu vực, lĩnh vực, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế tối đa sự luân chuyển lao động từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác vì các điều kiện và chế độ tương tự được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp trong nhóm.

Tuy vậy, việc ký kết thoả ước nhóm sẽ gặp nhiều khó khăn bởi một số nguyên nhân: Chủ doanh nghiệp không muốn ủng hộ; quy mô các doanh nghiệp khác nhau nên tiềm lực tài chính khác nhau; nhiều doanh nghiệp chưa có thoả ước, hoặc có thoả ước nhưng chủ yếu sao chép luật để đối phó; các doanh nghiệp khác nhau, chế độ chính sách sẽ có nhiều điểm ưu tiên khác biệt, nhất là về tiền lương, chuyên cần, xăng xe, thăm hỏi và các khoản phúc lợi; hoạt động trong cùng một lĩnh vực, nhưng có doanh nghiệp là thành viên thuộc tập đoàn, có doanh nghiệp là của tư nhân, đơn lẻ; một số Giám đốc chỉ là người làm thuê nên né tránh và ngại quyết định các nội dung liên quan đến chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận, thường lấy lý do bận sản xuất, xin ý kiến công ty mẹ để đối phó, trì hoãn thương lượng.

Thực tế, việc ký kết các thoả ước nhóm hiện nay là xu thế chung trong quan hệ lao động đang được quan tâm thực hiện ở một số tỉnh, phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Tại Ninh Bình, quy mô và hoạt động của 241/1066 CĐCS thuộc khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác nhau, phân bố trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh, nếu việc xây dựng thoả ước nhóm thành công sẽ góp phần không nhỏ trong việc ổn định lao động tại nhiều doanh nghiệp, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm của LĐLĐ tỉnh, đến nay mới chỉ có 165/241 thoả ước lao động tập thể thuộc khối doanh nghiệp ngoài nhà nước được ký kết, trong đó xếp loại A có 03 bản, xếp loại B có 31 bản, số còn lại chủ yếu là loại C và D.

Để có các thương lượng thỏa ước nhóm (ví dụ trong lĩnh vực may mặc, giầy da, điện tử Hàn Quốc...) trên địa bàn tỉnh, thiết nghĩ, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, thận trọng triển khai các bước, thực hiện thí điểm sau đó mở rộng phạm vi. Trong quá trình xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, không nóng vội đi tắt các bước trong quy trình, không quên đào tạo chuyên gia, hỗ trợ trực tiếp cho cơ sở và sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm...Đặc biệt, không thể thiếu sự ủng hộ của các cơ quan chức quản lý Nhà nước (UBND tỉnh, Sở Lao động Thương binh xã hội, Ban quản lý các khu công nghiệp, UBND cấp huyện..), Công đoàn cấp trên, nhất là sự ủng hộ của Tổng LĐLĐ Việt Nam và tổ chức Lao động quốc tế ILO.

  Hơn nữa, quy trình triển khai các bước cần chi tiết từng nội dung. Có thể quan tâm đến một số bước với nội dung cụ thể như sau:

1. Xây dựng kế hoạch thực hiện: Thành lập nhóm chuyên gia tư vấn cấp trên cơ sở. Lập kế hoạch khảo sát (lần 1) về tình hình kinh doanh các doanh nghiệp trong khối, nhóm dự kiến mời tham gia thoả ước. Nội dung khảo sát tập trung vào ngành nghề, quy mô sản xuất, cơ cấu sản xuất, số lao động, chế độ chính sách lao động. Tìm hiểu kỹ thêm về chủ doanh nghiệp để dự phòng phương án cần thuyết phục về tâm lý.

2. Xác định nội dung thương lượng khả thi: Rà soát và kiểm đếm các nội dung thương lượng thành trong các bản thỏa ước của từng doanh nghiệp trong khối, nhóm (đối với các đơn vị đã có thoả ước). Từ đó lựa chọn các nội dung thương lượng chung của các doanh nghiệp cùng ngành, nghề trên địa bàn tỉnh để mời tham gia thỏa ước khối, nhóm. Đặc biệt quan tâm tới các nội dung thương lượng có tính khả thi mà chủ doanh nghiệp có thể sẽ nhượng bộ, chấp nhận thông qua thuyết phục, đàm phán.

3. Thành lập nhóm nòng cốt, tổ thương lượng tại các doanh nghiệp: Đối với các doanh nghiệp có CĐCS, thành phần nhóm nòng cốt bao gồm cán bộ công đoàn và một số công nhân lao động nhiệt tình, năng động. Đối với đơn vị chưa thành lập công đoàn chọn những người đã từng là cán bộ công đoàn và công nhân hoặc cán bộ công đoàn cấp trên hỗ trợ cùng với một số công nhân. Nhiệm vụ của các nhóm là tuyên truyền, lấy ý kiến người lao động về chính sách pháp luật lao động, giúp người lao động hiểu vai trò của mình trong việc thương lượng thỏa ước. Đồng thời khảo sát, lấy ý kiến đề xuất về chế độ chính sách tại doanh nghiệp, nguyện vọng của người lao động. Đối với đơn vị chưa có công đoàn, kết hợp thêm nội dung tuyên truyền, vận động thành lập công đoàn cơ sở.

Nhóm chuyên gia và Công đoàn cấp trên họp với các nhóm nòng cốt, xây dựng dự thảo khung phương án thực hiện cụ thể trong từng doanh nghiệp. Tổ chức tập huấn cho đại diện công đoàn và doanh nghiệp về quy trình, kỹ năng thương lượng Thỏa ước; tổ chức đối thoại giữa các nhóm.

4. Khảo sát lần 2: Sau khi có kết quả, phân công các nhóm nòng cốt tại các đơn vị tập trung lấy ý kiến người lao động lần 2, cung cấp thông tin về kết quả khảo sát tại các DN và thông tin về việc ký thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp để người lao động được biết.

Tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp tham gia thoả ước nhóm nêu rõ những chính sách doanh nghiệp chưa thực hiện được, những nội dung cần phải điều chỉnh, tác dụng của việc điều chỉnh chính sách. Tổ chức họp cán bộ chủ chốt của các đơn vị để thống nhất xây dựng khung dự thảo và các phương án thực hiện, nội dung thương lượng, cụ thể các chương, mục, quy định về chủ thể tham gia ký thỏa ước, các chế độ..., hoàn thành dự thảo Thỏa ước làm căn cứ cho các công đoàn cơ sở thương lượng với chủ doanh nghiệp.

Tập huấn lần 2 cho Tổ thương lượng, cán bộ công đoàn cơ sở về quy trình, nội dung, thương lượng Thỏa ước, phân công cụ thể cho từng thành viên tổ thương lượng về cách thức tập hợp ý kiến người lao động trước khi thương lượng, cách đặt vấn đề, cách xây dựng phương án thương lượng...

5. Tổ chức thương lượng lần 1: Để hỗ trợ và thúc đẩy quá trình thương lượng tại doanh nghiệp, Công đoàn cấp trên tổ chức thương lượng chung lần 01 với các doanh nghiệp tham gia thoả ước khối, nhóm. Nội dung tập trung chủ yếu về tiền lương và các chế độ phúc lợi, tiếp tục làm rõ hơn những nội dung chính sách pháp luật doanh nghiệp đang vướng, những vấn đề doanh nghiệp cần phải điều chỉnh. Lấy ý kiến của NSDLĐ và CĐCS các doanh nghiệp góp ý vào các nội dung thỏa ước chung.

6. Tổ chức thương lượng lần 2: Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại hội nghị lần thứ nhất, tiếp tục chỉnh sửa nội dung thỏa ước. Nhóm chuyên gia và Công đoàn cấp trên hướng dẫn các CĐCS tổ chức hội nghị thương lượng đối thoại với từng chủ doanh nghiệp trên cơ sở dự thảo thỏa ước chung.

Trước khi thương lượng lần 2, các nhóm họp riêng với công nhân, nắm bắt lại những vướng mắc, nội dung cần kiến nghị, trao đổi về nội dung chính sách trong Thỏa ước nhóm, đặt ra mục tiêu về mức sàn phải thực hiện được. Sau đó tổ chức thương lượng với sự tham gia của công nhân lao động và sự hỗ trợ trực tiếp của Công đoàn cấp trên. Tại buổi thương lượng, cán bộ công đoàn cơ sở là người điều hành, dẫn dắt công nhân đề xuất các ý kiến cải thiện về các chế độ phúc lợi như: Thưởng Tết,  ăn ca, thâm niên, các khoản hỗ trợ... Trên cơ sở đó cán bộ công đoàn cơ sở phân tích thêm những khó khăn, vướng mắc của công nhân, làm rõ đây là mong muốn, nhu cầu của toàn bộ tập thể người lao động trong công ty chứ không phải là của riêng những người tham gia thương lượng và nếu thực hiện thì doanh nghiệp sẽ được những lợi ích gì. Công đoàn cấp trên, tổ chuyên gia tham dự trực tiếp để giải đáp, phân tích những vấn đề vướng mắc trong thương lượng, trên tổng thể mặt bằng chung của khu-cụm công nghiệp, của chính sách pháp luật, thuyết phục doanh nghiệp thực hiện.

Căn cứ kết quả thương lượng riêng từ các tổ thương lượng tại các công đoàn cơ sở, cần tổ chức hội nghị thương lượng lần 2 để tập hợp ý kiến góp ý cho thỏa ước.

7. Hoàn thiện bản thỏa ước: Trên cở sở các ý kiến tại các hội nghị thương lượng lần 2, tổ chức phân công cán bộ công đoàn cấp trên phối hợp với chuyên gia thỏa ước trực tiếp làm việc, đối thoại, thương lượng với NSDLĐ để chốt các nội dung. Thông qua các ý kiến góp ý trong các buổi làm việc, đối thoại đó, điều chỉnh thoả ước và có biên bản xác nhận chốt các nội dung của thỏa ước.

8. Ký thoả ước nhóm: Bản thoả ước cần được dịch ra ngôn ngữ phù hợp để gửi các doanh nghiệp xem lần cuối trước khi lấy ý kiến người lao động và ký kết. Hướng dẫn Ban Chấp hành các CĐCS lấy ý kiến của NLĐ lần cuối về các nội dung thương lượng trong thỏa ước chung. Các CĐCS phải có bước uỷ quyền cho Công đoàn cấp trên đại diện tập thể NLĐ ký thỏa ước nhóm.

9. Đánh giá, giám sát việc thực hiện: Tổ chức các hội nghị sơ kết hằng năm (hoặc 2-3 năm) đánh giá kết quả thực hiện để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung sát với tình hình thực tế kinh doanh của các đơn vị, sát với các bản thỏa ước mà các doanh nghiệp đang triển khai thực hiện.

Thoả ước đa doanh nghiệp sẽ mang lại đa lợi ích cho người lao động. Đây là hướng đi phù hợp với chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của tổ chức Công đoàn, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Bám sát vào những nội dung cơ bản cần thương lượng theo quy định của Bộ Luật Lao động, đảm bảo quy trình thương lượng, cùng với sự vào cuộc của các cấp Công đoàn và sự tiếp thu những kinh nghiệm đã đạt được của các tỉnh bạn, trên tinh thần bình đẳng-tự nguyện- dân chủ, không vượt quá giới hạn thực hiện của các doanh nghiệp, chắc chắn rằng việc xây dựng thoả ước nhóm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nếu triển khai sẽ thành công tốt đẹp, góp phần trực tiếp vào chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, nâng cao hơn nữa chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh nhà.

                                                                                                            Hồng Nhung - CĐKCN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 167
Hôm qua : 311
Tổng số : 7.537.237