Nếu không có tổ chức Công đoàn, không có tôi ngày hôm nay
Đó là những lời tâm sự rất chân tình của chị Phạm Thị Hà, trước khi thôi giữ chức danh Chủ tịch Công đoàn Công đoàn Công ty TNHH Great Global International. Với chị, tổ chức Công đoàn đã chọn chị, tạo cơ hội và rèn luyện để chị mỗi ngày một trưởng thành hơn.
Chị Phạm Thị Hà, nguyên Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Great Global International tặng quà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại chương trình Tết Sum vầy
Nhắc đến chị, đoàn viên, người lao động đang làm việc trong Công ty ai cũng biết. Họ biết đến chị bởi cái tài của người làm công tác quản lý, cái tâm và sự trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Công đoàn tại Công ty. Giai đoạn đầu, số lao động trong công ty tăng nhanh, môi trường doanh nghiệp FDI có nhiều vướng mắc nảy sinh do bất đồng về ngôn ngữ và văn hoá, hoạt động Công đoàn gặp vô vàn khó khăn. Khi ấy, chị chỉ mới được tuyển dụng vào phòng Tổng vụ. Nhưng với bản tính “thích bao đồng chuyện của người khác”, chị được tiến cử tham gia BCH Công đoàn, bầu giữ chức danh Chủ tịch Công đoàn ngay khi tổ chức Đại hội lần thứ 2 (nhiệm kỳ 2010-2012).
Những ngày đầu tiên tham gia công tác công đoàn, chị luôn chủ động học hỏi, bám sát văn bản và sự hướng dẫn của Công đoàn các khu công nghiệp, tổ chức tốt một số hoạt động, bước đầu tạo dựng niềm tin với đoàn viên, người lao động. Có uy tín trong công tác công đoàn, chị được lãnh đạo doanh nghiệp biết đến năng lực nên đã bổ nhiệm tới chức danh Trợ lý Phó tổng giám đốc - chức vụ cao nhất của lao động Việt Nam đang làm việc tại Công ty. Những thuận lợi từ vị trí và uy tín chuyên môn đã hỗ trợ chị trong hoạt động Công đoàn. Tuy nhiên, cũng chính từ kết quả hoạt động Công đoàn và sự tin tưởng của đoàn viên đã hậu thuẫn cho chị. Do vậy bất cứ nội dung nào có liên quan đến người lao động, lãnh đạo doanh nghiệp đều phải tham khảo ý kiến của chị và ban chấp hành trước khi quyết định.
Theo chị Hà, bí quyết để trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động đó là: Người cán bộ công đoàn phải tạo dựng “căn cứ địa lòng dân” bằng cách lấy lợi ích chung của tập thể đặt lên trước hết. Doanh nghiệp sẽ không bỏ thời gian và trả lương, trả chuyên cần cho người lao động nếu không thấy hiệu quả của hoạt động. Chị cho rằng, dù nhiều, dù ít, cả doanh nghiệp và người lao động đều phải cùng có lợi ích về mặt vật chất và tinh thần, phải cho doanh nghiệp thấy được uy tín và “tiếng thơm” sau mỗi hoạt động đó là gì.
Khi được hỏi, yếu tố nào là quan trọng nhất khi làm công tác công đoàn ở doanh nghiệp FDI, chị Hà chia sẻ, việc biết ngoại ngữ là một lợi thế giúp cán bộ công đoàn chủ động từ khâu tìm kiếm văn bản quy định, thuyết phục và đề xuất phương án thực hiện với chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc biết ngoại ngữ chỉ được phát huy khi biết kết hợp đúng thời điểm, biết cách đề xuất để nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp. Với chị, chị luôn chủ động và linh hoạt trong việc lựa chọn thời điểm đề xuất, nhất là đề xuất phúc lợi. Chị cũng luôn khéo léo tận dụng uy tín và sự tác động của các cơ quan chức năng, các cuộc kiểm tra, kiểm xưởng của khách hàng để xin thêm phúc lợi cho đoàn viên.
Công việc bộn bề vì hầu như tất cả các mảng, các lĩnh vực, các khâu vận hành trong doanh nghiệp chị đều phải nắm được thông tin, dự kiến phương án xử lý để tham mưu cho Phó tổng giám đốc hoặc báo cáo trực tiếp với chủ doanh nghiệp. Áp lực trong công việc lớn là vậy, “người vác tù và hàng tổng” lại thường bị hiểu lầm, bị phản ứng hoặc chứng kiến đòi hỏi vô lý của đoàn viên, nhưng chị luôn giữ thái độ bình tĩnh để có phương án giải quyết thấu tình đạt lý, hoá giải những hiểu lầm và sự đố kị để tạo dựng sự đoàn kết, củng cố “lợi thế” trước doanh nghiệp với vai trò người thủ lĩnh Công đoàn.
Với chị, cái được lớn nhất của người làm công tác công đoàn không phải là những bằng khen, giấy khen mà chị và tập thể Ban Chấp hành nhận được suốt 3 nhiệm kỳ qua. Niềm vui lớn nhất của chị xuất phát từ niềm vui của người lao động. Niềm vui đó có thể bắt đầu từ vài trăm triệu đồng xin thêm được của đối tác cho những chương trình bắt thăm trúng thưởng cuối năm, nhưng cũng có khi chỉ là chút vải vụn xin doanh nghiệp giúp đoàn viên có nhu cầu. Có đôi khi, niềm vui chỉ là việc đề xuất thành công việc hoán đổi ngày giờ nghỉ lễ, hay chỉ đơn giản là giải thích cho người lao động hiểu rõ quyền lợi của họ khi họ thắc mắc. Chị tâm sự, chị có thể “mặt dầy” đi xin tăng lương, tăng phúc lợi hay xin tiền thưởng cho cấp dưới, cho đoàn viên, nhưng chưa bao giờ chị xin tăng quyền lợi cho bản thân mình. Với chị, hạnh phúc khi làm công tác công đoàn dù “có tiền cũng không mua nổi” ấy là khi đoàn viên, người lao động cảm nhận được cái tâm, cái tình qua mỗi hoạt động, việc làm của chị và BCH.
Chị cho rằng, chị không được quyền chọn công đoàn khi vào làm việc tại doanh nghiệp, nhưng Công đoàn đã chọn chị và “rèn luyện” để chị trưởng thành như ngày hôm nay. Công đoàn đã giúp chị giầu thêm “vốn xã hội”. Do vậy, khi mở một hướng đi mới cho bản thân mình, chị đã nhận được rất nhiều sự động viên và sự hỗ trợ cụ thể của đoàn viên, người lao động và đồng nghiệp trong Công ty. Chính vì vậy, gần 10 năm tham gia công tác công đoàn, “cháy” hết mình cho đồng chí và đồng nghiệp, khi rời xa nhiệm vụ của “người vác tù và hàng tổng”, chị thực sự cảm thấy xúc động, bồi hồi.
Con đường mới mà chị lựa chọn tuy có nhiều thử thách. Nhưng tin chắc rằng, một người luôn thấu hiểu sự vất vả của công nhân, người không ngại khó như chị dù không còn là cán bộ công đoàn nữa nhưng chị sẽ cùng với Công đoàn tại doanh nghiệp do mình làm chủ có những giải pháp tốt chăm lo, tri ân người lao động - tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, để tiếp tục thành công./.
CĐCS