Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ninh Bình đẩy mạnh phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo trong công nhân, viên chức, lao động                                                          

           Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trong thành tích chung đó, cán bộ, công nhân, viên chức, lao động của tỉnh luôn là lực lượng nòng cốt đã góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Hàng năm, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn phối hợp cùng với chính quyền tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động cán bộ, công nhân, viên chức, lao động thực hiện phong trào thi đua yêu nước nói chung, trong đó có phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, đây là  một trong các phong trào hành động cách mạng do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh phát động đã được các cấp công đoàn cụ thể hóa thành các phong trào thi đua phù hợp với tính chất, đặc thù của từng ngành nghề, lĩnh vực và thu hút hàng ngàn công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tham gia. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tập thể, gương cá nhân điển hình tiên tiến, say mê lao động, sáng tạo, tiêu biểu cho ý chí vươn lên của đội ngũ CNVCLĐ.

 Nhận thức rõ ý nghĩa, mục đích của phong trào Lao động sáng tạo trong CNVCLĐ, những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hàng năm Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo và tổ chức nhiều hội nghị, tập huấn, quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, đồng thời, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn trong tỉnh tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp và tạo điều kiện của chuyên môn, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú gắn kết với ba phong trào hành động cách mạng do Đại hội XIV, XV công đoàn tỉnh phát động, xây dựng chương trình, nội dung thi đua phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng đơn vị, động viên CNVCLĐ phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý, tiếp thu và ứng dụng hiệu quả khoa học, công nghệ tiên tiến, góp phần vào thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; đồng thời góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, để ổn định và phát triển. Trong điều kiện nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh, thiếu vốn, thiếu điều kiện để đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc lạc hậu… Các giải pháp đổi mới, cải tiến quy trình công nghệ, nghiên cứu tự chế tạo trang thiết bị, phụ tùng thay thế và tìm kiếm nguyên vật liệu mới của CNVCLĐ đã hỗ trợ có hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp phát triển ổn định và đứng vững trên thị trường.

Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh: đã khẳng định được ảnh hưởng, tác dụng to lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện. CĐCS phối hợp với chủ doanh nghiệp phát động các phong trào thi đua trong đơn vị, doanh nghiệp như: Phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; thực hành tiết kiệm, giảm chi phí quản lý, định mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng để nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị, tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh khi tham gia hội nhập khu vực và quốc tế”; với khẩu hiệu “Chất lượng và dịch vụ là yếu tố quyết định tạo nên thương hiệu cho doanh nghiệp”; “Lao động sáng tạo, năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn, thu nhập cao hơn”. Qua phát động đã có hàng vạn CNLĐ say mê nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Nhiều sáng kiến của CNLĐ được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng, trong đó có 37 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh, tiêu biểu như 3 sáng kiến cấp tỉnh của tác giả Vũ Văn Tích, Bùi Văn Thịnh và Phạm Văn Nam thuộc công nhân Công ty Cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam; tác giả Nguyễn Đức Hạnh, công nhân Công ty TNHH thép Kyoei Việt Nam được ứng dụng trong các nhà máy Thép kyoei trên toàn thế giới...

Trong lĩnh vực quản lý, hành chính sự nghiệp , phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo được triển khai gắn với Cuộc vận động “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ trong CB, CC, VC”, cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” và việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hướng vào nâng cao ý thức, trách nhiệm, thái độ ứng xử văn hóa, đổi mới tác phong làm việc khoa học của đội ngũ cán bộ, công chức để nâng cao hiệu quả trong tham mưu, giải quyết công việc, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh, gọn đảm bảo quy trình, quy định tránh gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Kết quả: Trên 80% thủ tục hành chính được giải quyết trước hạn, 100% thủ tục hành chính được giải quyết theo cơ chế một cửa; số giờ giao dịch giảm từ 40giờ/tuần xuống 25giờ/tuần; kết quả xếp loại chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đạt 95,1%, năm 2019 chỉ số cải cách hành chính tỉnh Ninh Bình đạt 64,59 điểm, xếp thứ  39/63 tỉnh thành.

Trong lĩnh vực y tế, giáo dục được cụ thể hóa bằng các phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”; đội ngũ cán bộ, giáo viên tích cực nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạytrong ngành giáo dục; phong trào “Nâng cao Y đức”, “Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ người bệnh” thực hiện tốt “Quy tắc ứng xử” và qui chế giao tiếp trong Bệnh viện, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn tiếp thu ứng dụng những tiến bộ khoa học mới...trong ngành y tế. Tiêu biểu như các sáng kiến của bác sỹ Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh với 9 lần được tặng Bằng Lao động sáng tạo; bác sỹ Đinh Ngọc Thơm, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Phụ, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh; cô giáo Vũ Thị Ngàn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bích Đào, thành phố Ninh Bình với 3 lần được tặng Bằng Lao động sáng tạo... 

Công tác sơ kết, tổng kết phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo được LĐLĐ tỉnh thực hiện thường xuyên hàng năm nhân dịp tổng kết cuối năm, hội nghị biểu dương. Các gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua thường xuyên được biểu dương, nhân rộng, những bài học kinh nghiệm, cách làm hay được giới thiệu trên website của LĐLĐ tỉnh, chuyên mục Lao động và Công đoàn phát trên sóng đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đã tạo b­ước chuyển biến quan trọng về nhận thức và hành động của CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn về phong trào thi đua Lao động giỏi, Lao động sáng tạo trong công tác và sản xuất. Hàng năm, LĐLĐ tỉnh chủ động phối hợp Sở Khoa học - công nghệ thẩm định, xét duyệt các đề tài, sáng kiến; Các cấp Công đoàn trong tỉnh phối hợp với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức cho CNLĐ tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình và Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Hoa Lư do Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh tổ chức...trên cơ sở các đề tài, sáng kiến đã được Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh công nhận, LĐLĐ tỉnh xét duyệt và đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo cho các cá nhân có đề tài, sáng kiến xuất sắc trong phong trào...

Trong 5 năm 2015-2020 toàn tỉnh đã có 163 công trình, sản phẩm được đăng ký thực hiện, 7.241 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được ứng dụng vào sản xuất và công tác, có giá trị làm lợi hàng trăm tỷ đồng, trong đó, 185 sáng kiến được công nhận sáng kiến cấp tỉnh; 91 cá nhân tiêu biểu được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo và UBND tỉnh tặng Bằng khen; nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu được các cấp, các ngành ghi nhận, biểu dương, khen thưởng: LĐLĐ thành phố Ninh Bình được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; LĐLĐ tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen; 02 cán bộ công đoàn và 02 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Tổng Liên đoàn tặng 28 Cờ và tặng Bằng khen cho 119 tập thể và 197 cá nhân; UBND tỉnh tặng 06 Cờ và tặng Bằng khen cho 49 tập thể, 51 cá nhân và 230 CNLĐ trực tiếp; LĐLĐ tỉnh tặng 43 Cờ và tặng Bằng khen cho 361 tập thể và 544 cá nhân.

Đặc biệt, trong năm 2020, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức Đại hội thi đua yêu nước trong CNVCLĐ giai đoạn 2020 - 2025, tại Đại hội đã biểu dương 38 tập thể, 86 cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong các phong trào thi đua do tổ chức công đoàn phát động được các cấp, các ngành khen thưởng, trong đó 21 cá nhân được Tổng Liên đoàn tặng Bằng Lao động sáng tạo và UBND tỉnh tặng Bằng khen...Thông qua các đợt tổng kết, bình chọn điển hình tiên tiến trong phong trào để kịp thời đã động viên, khích lệ CNVCLĐ. Những kinh nghiệm, sáng kiến được tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng. Phong trào thi đua đã có sức lan tỏa, các điển hình tiên tiến được nhân rộng.  

          Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong các cấp công đoàn đã thu được những kết quả to lớn, góp phần đáng kể vào sự thành công của quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, phong trào phát triển chưa đều, chưa rộng, chưa liên tục, mới chỉ tập trung ở một số ngành, lĩnh vực nơi có sự quan tâm của lãnh đạo, các gương lao động sáng tạo còn tập trung ở một số cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, tỷ lệ CNVCLĐ sáng tạo, viết sáng kiến trong sản xuất, công tác chưa được quan tâm đúng mức, số công nhân lao động trực tiếp còn ít; lĩnh vực cơ quan hành chính số lượng đề tài, sáng kiến chưa tương xứng với tiềm năng; nội dung các đề tài khoa học cấp cơ sở, sáng kiến ở một số lĩnh vực có tính ứng dụng thực tế và hiệu quả kinh tế còn hạn chế, số lượng đề tài, sáng kiến được tặng Bằng Lao động sáng tạo đạt tỉ lệ thấp so với tổng số.

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo trong CNVCLĐ mang lại hiệu quả thiết thực thì các cấp công đoàn trong tỉnh cần tập trung giải quyết tốt các vấn đề sau:

          Thứ nhất: Các cấp công đoàn trong tỉnh phải tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, các cơ quan chức năng và các tổ chức chính trị xã hội để tổ chức phong trào thi đua.

          Thứ hai:  Phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” phải luôn gắn chặt với quá trình nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, qua đó thúc đẩy và đưa tiến bộ khoa học, công nghệ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với việc cụ thể hóa phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” bằng những hoạt động phù hợp, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh cần phối hợp với các cấp chính quyền động viên cán bộ, công nhân, viên chức, lao động đăng ký và thực hiện các đề tài khoa học, giải pháp hữu ích gắn liền với thực tiễn công tác và sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực đối với ngành, địa phương và đơn vị.

          Thứ ba: Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và CNVCLĐ nâng cao nhận thức, vai trò to lớn của phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được kết tinh trong hiệu quả công tác và hiệu quả sản xuất kinh doanh, trong tinh thần và đời sống CNVCLĐ; động viên các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư, quản lý, khuyến khích cán bộ, công nhân, viên chức, lao động tham gia vào phong trào nghiên cứu đề tài khoa học, sáng kiến, sáng tạo và kịp thời sơ kết, tổng kết biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc và nhân rộng các điển hình tiên tiến; tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân, viên chức, lao động thi đua học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Xác định hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là một biện pháp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, một nội dung thi đua, một chỉ tiêu đăng ký danh hiệu thi đua của tập thể, cá nhân, là một trong các tiêu chí để xét khen thưởng hàng năm, nhất là danh hiệu chiến sỹ thi đua.

Thứ tư: Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật, Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh và các cơ quan truyền thông, báo chí ở các địa phương tăng cường phát hiện, tuyên truyền, làm lan tỏa mạnh mẽ các mô hình, điển hình tiên tiến trong công nhân, viên chức, người lao động; Chú trọng tổ chức Hội thi, hội thao kỹ thuật, đây vừa là biện pháp để đánh giá chất lượng chuyên môn, tay nghề, đồng thời cũng thúc đẩy tính tích cực, sáng tạo của mỗi người trong hoạt động thực tiễn. Phần lớn sáng kiến đều bắt nguồn từ thực tiễn, hoạt động thực tiễn sẽ là môi trường thuận lợi nảy sinh những ý tưởng mới, nâng cao chất lượng sáng tạo.

Thứ năm: Kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng ở các cấp công đoàn. Bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ tương xứng với vị trí, vai trò, yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi đua khen thưởng trong thời kỳ mới. Đảm bảo bộ máy và cán bộ thi đua có năng lực chủ động tham mưu đề xuất và thực hiện có hiệu quả công tác thi đua khen thưởng ở các đơn vị. Cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng và cán bộ công đoàn cần tâm huyết với phong trào, biết cách vận động, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của CNVCLĐ; sẵn sàng giúp đỡ, đề nghị chuyên môn hỗ trợ thử nghiệm, áp dụng các đề tài, giải pháp sáng tạo.

                                                                           LĐLĐ tỉnh Ninh Bình

 


Nguồn:congdoanninhbinh.org.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 391
Hôm qua : 677
Tổng số : 7.536.881