A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VAI TRÒ CỦA CÔNG ĐOÀN GÓP PHẦN XÂY DỰNG GIA ĐÌNH CNVCLĐ NO ẤM, TIẾN BỘ, HẠNH PHÚC, VĂN MINH

 

Công tác gia đình được xác định là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ đạo cần “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”, “Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ” nhằm khẳng định tầm quan trọng của công tác gia đình và xác định đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội.

Quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm kỳ 2017-2022 Tổng Liên đoàn LĐVN đã quan tâm tới công tác xây dựng gia đình công nhân viên chức lao động tiến bộ, hạnh phúc thông qua việc ban hành các Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030, Chương trình quốc gia phòng chống bạo lực gia đình trong tình hình mới của Thủ tướng Chính phủ… và chỉ đạo tới các cấp công đoàn tổ chức thực hiện bằng các kế hoạch và chỉ tiêu cụ thể.

Đối với Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình, hiện nay đang quản lý 116.668 CNVCLĐ, trong đó có 86.325 đoàn viên nữ, chiếm 73% so với tổng số công nhân viên chức lao động trong toàn tỉnh. Bám sát sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, đồng thời chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện; LĐLĐ tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã ký chương trình phối hợp để triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác nữ, trong đó chú trọng công tác gia đình.

Trong nhiệm kỳ qua, Ban nữ công công đoàn các cấp đã phối hợp tổ chức 3.679 cuộc tuyên truyền, tọa đàm, các buổi sinh hoạt và nói chuyện chuyên đề về hạnh phúc, yêu thương và chia sẻ, xây dựng gia đình hạnh phúc, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới, duy trì sinh hoạt “Góc tư vấn về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân”. Qua đó, đã truyền tải được các thông điệp về gia đình Việt Nam, về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của gia đình trong xã hội, chăm lo xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Nhân các Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức Hội nghị biểu dương gia đình công nhân viên chức lao động điển hình tiên tiến, tiêu biểu. Trong nhiệm kỳ, đã có 804 gia đình được biểu dương từ cấp huyện đến cấp tỉnh, tỷ lệ gia đình công nhân viên chức lao động đạt danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm từ 85 - 90%.

LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh phối hợp với các đơn vị treo gần 1700 băng rôn tuyên truyền và thực hiện tuyên truyền trên hệ thống bảng điện tử tại các trục đường với trên 200 giờ tuyên truyền, chỉ đạo các cấp công đoàn từ tỉnh tới cơ sở tích cực thực hiện tuyên truyền về công tác gia đình trên bảng tin, hệ thống bảng điện tử tại trụ sở cơ quan, đơn vị.

Thông qua tuyên truyền, CNVCLĐ đã nhận thức rõ hơn pháp luật về hôn nhân, gia đình. Qua đó, vai trò vị trí phụ nữ, quyền bình đẳng của phụ nữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội và trong gia đình đã được nâng lên. Các cấp công đoàn, các doanh nghiệp cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho NLĐ đảm bảo việc làm, thu nhập  để có điều kiện thực hiện tốt hơn vai trò người công dân, người lao động và chăm lo cho gia đình; giám sát việc thực hiện những quy định riêng đối với lao động nữ, giúp họ vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao, vừa thực hiện tốt thiên chức làm mẹ, nuôi con bằng sữa mẹ và cùng các thành viên trong gia đình xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng gia đình CNVCLĐ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh còn nhiều những tồn tại, hạn chế như:

Ngoài những giá trị nhân văn được giữ gìn và phát huy, thì gia đình Việt cũng đang đối mặt với những vấn đề biến đổi giá trị. Số vụ ly hôn tăng nhanh qua từng năm, thời gian từ kết hôn đến ly hôn ngắn phần nào cho thấy tính bền vững trong hôn nhân của các gia đình Việt trẻ đang ngày càng thấp. Thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới vào năm 2018, trung bình cả nước có trên 60.000 vụ ly hôn mỗi năm, chiếm tỷ lệ 30% tổng số cặp đôi, trong đó, 27,7% là mâu thuẫn về lối sống, 25,9% đến từ ngoại tình, yếu tố kinh tế chiếm 13%, bạo lực gia đình chiếm 6,7%, sức khỏe chiếm 2,2% và sống xa nhau nhiều ngày chiếm 1,3%.

Trong tình hình chung đó, thực trạng gia đình công nhân viên chức lao động, nhất là gia đình công nhân lao động đang làm việc tại các KCN, KCX cũng có nhiều bất cập: tỷ lệ kết hôn muộn, ly hôn, tỷ lệ làm mẹ đơn thân; bạo lực gia đình… vẫn song song tồn tại. 

Công nhân lao động chủ yếu xuất thân từ các địa phương thuộc nhiều vùng nông thôn. Đa phần có tuổi đời trẻ, là người lao động nhập cư mới tốt nghiệp PTTH, thoát li từ nông thôn ra thành thị đến làm việc tại các KCN, doanh nghiệp; nhận thức, hiểu biết về các vấn đề xã hội còn hạn chế, đặc biệt là các kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó với các tình huống nảy sinh trong cuộc sống: tình yêu, tình bạn, giữ gìn hạnh phúc gia đình….

Vấn đề suy thoái đạo đức và các tệ nạn xã hội đã đang và đang tác động trực tiếp đến sự bền vững của gia đình. Như một hệ lụy của cơ chế thị trường, định hướng giá trị về gia đình của một bộ phận thế hệ trẻ có những thay đổi, xu hướng tự do cá nhân đã làm cho những giá trị đạo đức, tình cảm trong gia đình truyền thống ít nhiều bị giảm sút. Nhiều công nhân sống thiếu bản lĩnh dễ rơi vào cạm bẫy và các tệ nạn xã hội, tự do trong tình yêu, tình dục, sống không có hoài bão, lý tưởng.

Với công nhân chưa lập gia đình, có xu hướng thuê nhà chung theo nhóm như: cùng quê, cùng nơi làm việc, cùng lứa tuổi. Theo một số nghiên cứu, ngày càng gia tăng hiện tượng công nhân sống chung, sống thử trước hôn nhân dẫn đến hiện tượng quan hệ tình dục trước hôn nhân, nạo phá thai... vi phạm luật hôn nhân và gia đình, để lại hậu quả không chỉ với sức khỏe bản thân nữ công nhân mà còn ảnh hưởng lâu dài về mặt xã hội như y tế, chất lượng giống nòi...

Gia đình công nhân sẽ tiếp tục phát triển cùng với sự phát triển của các KCN. Đã có không ít thách thức đặt ra cho cả người lao động, người sử dụng lao động cũng như chính quyền địa phương về vấn đề lao động đặc biệt là lao động di cư, không chỉ  vấn đề về thu nhập mà cả những vấn đề liên quan tới đời sống của công nhân và gia đình công nhân  và việc chấp hành thực hiện pháp luật về hôn nhân gia đình.

Từ những vấn đề đặt ra nêu trên, Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ CNVCLĐ xây dựng đời sống gia đình như sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, người lao động về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; giúp các gia đình có kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục những kiến thức “tiền hôn nhân”, kĩ năng làm cha mẹ tích cực cho công nhân lao động trẻ trước khi xây dựng gia đình.

Hai là, tiếp tục thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động đặc biệt là lao động nữ và trẻ em. Quan tâm tạo điều kiện cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động vay vốn từ các nguồn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo tạo việc làm để phát triển kinh tế gia đình; thực hiện có hiệu quả chương trình “Mái ấm công đoàn”, hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động công đoàn khó khăn về nhà ở; hỗ trợ kịp thời những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo…

Ba là, duy trì và đẩy mạnh các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, gắn với phong trào “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, động viên, hỗ trợ người lao động phấn đấu đạt Gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu, biểu dương gia đình CNVCLĐ tiêu biểu...

Bốn là, thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng, đặc biệt Ban Nữ công quần chúng tại công đoàn cơ sở trong các khu công nghiệp. Nâng cao vai trò của công đoàn cơ sở, nhất là vai trò của ban nữ công quần chúng trong tham mưu xây dựng các chính sách cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động khi kết hôn gắn với truyền thông tư vấn giáo dục đạo đức, lối sống gia đình trẻ hiện nay, góp phần xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Trên cơ sở kết quả đạt được cũng như những khó khăn chúng tôi gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động công tác nữ công nói chung, công tác gia đình CNVCLĐ nói riêng, Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình đề xuất một số nội dung sau:

Đối với Tổng Liên đoàn

- Nghiên cứu ban hành các đề án thúc đẩy hỗ trợ nữ công nhân viên chức lao động xây dựng hạnh phúc gia đình; chăm sóc, nuôi dạy con, không có đoàn viên là người gây bạo lực gia đình; nhân rộng mô hình chăm lo, hỗ trợ lao động nữ đơn thân nuôi con nhỏ; mô hình kết nối yêu thương giúp cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có cơ hội để tìm hiểu xây dựng gia đình; mỗi nhiệm kỳ Tổng Liên đoàn tổ chức Hội nghị biểu dương các gia đình CNVCLĐ tiêu biểu toàn quốc nhằm động viên, khích lệ và lan tỏa những tấm gương gia đình tiêu biểu.

- Tham gia xây dựng các chính sách, cơ chế hỗ trợ đời sống, ổn định bền vững việc làm cho lao động nữ, thúc đẩy xây dựng nhà ở, nhà trẻ trong thiết chế công đoàn nhằm hỗ trợ lao động nữ di cư và gia đình họ có cuộc sống “ an cư lạc nghiệp”

Đối với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam: Phối hợp với Tổng Liên đoàn nghiên cứu mô hình hỗ trợ gia đình công nhân lao động sinh sống tại khu nhà trọ có điều kiện sống tốt hơn.

Đối với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch,  Bộ Y tế, Tổng Cục Dân số: Phối hợp với Tổng Liên đoàn triển khai thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục đời sống gia đình và truyền thông, tư vấn chăm sóc SKSS cho công nhân lao động.

Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 98
Hôm qua : 442
Tổng số : 7.627.550