Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

LĐLĐ TỈNH NINH BÌNH VỚI VIỆC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH “ NĂM PHÁT TRIỂN ĐOÀN VIÊN”

Năm 2016, được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xác định chủ đề là “Năm phát triển đoàn viên”; LĐLĐ tỉnh Ninh Bình được giao chỉ tiêu phát triển tăng thêm 6.000 đoàn viên so với năm 2015. Đây là ...

Năm 2016, được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xác định chủ đề là “Năm phát triển đoàn viên”; LĐLĐ tỉnh Ninh Bình được giao chỉ tiêu phát triển tăng thêm 6.000 đoàn viên so với năm 2015. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn của tổ chức công đoàn, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

Thực tiễn cho thấy, một nguyên nhân quan trọng mang tính quyết định ảnh hưởng đến kết quả công tác phát triển đoàn viên, đó chính là vấn đề nhận thức của cá nhân, tổ chức về tầm quan trọng của vấn đề này còn hạn chế, cụ thể là:

Thứ nhất: Nhiều cán bộ công đoàn chưa hiểu thấu đáo, công tác phát triển đoàn viên là yêu cầu rất cấp bách, là “nhiệm vụ sống còn của tổ chức Công đoàn” vì vậy chưa thực sự có quyết tâm cao.

Thứ hai: một số cấp ủy đảng, chính quyền còn cho rằng công tác phát triển đoàn viên là việc riêng của tổ chức công đoàn, vì vậy chưa thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực phối hợp, vào cuộc cùng với tổ chức công đoàn để tuyên truyền, vận động.

Thứ ba: nhiều chủ sử dụng lao động chưa hiểu rõ những quy định của pháp luật về trách nhiệm của mình trong việc tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức chính trị- xã hội (trong đó có tổ chức công đoàn) ở doanh nghiệp, hoặc nếu có hiểu thì cũng không muốn thành lập CĐCS vì cho rằng hoạt động công đoàn chỉ gây phiền hà cho doanh nghiệp, phải trích kinh phí CĐ nên đã tìm mọi cách trì hoãn, không tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức công đoàn. Đây được xác định là rào cản lớn nhất đối với công tác thành lập CĐCS trong doanh nghiệp.

Thứ tư: Người lao động trong các doanh nghiệp chủ yếu chỉ quan tâm đến lợi ích vật chất trước mắt, ngại tham gia công đoàn vì phải đóng đoàn phí, chưa thực sự hiểu được những lợi ích lâu dài của mình khi gia nhập tổ chức công đoàn.

Trên cơ sở phân tích kỹ những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã xây dựng Kế hoạch thực hiện “Năm phát triển đoàn viên” trong đó đề ra những giải pháp mang tính đồng bộ nhằm làm chuyển biến nhận thức và quyết tâm thực hiện bằng được chỉ tiêu do Tổng Liên đoàn giao.

Sau khi ban hành Kế hoạch, LĐLĐ tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác phát triển đoàn viên để triển khai các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp liên quan đến nhiệm vụ phát triển đoàn viên; trao đổi kinh nghiệm và bàn các biện pháp tổ chức thực hiện; Tổ chức hội nghị tập huấn về kỹ năng tuyên truyền phát triển đoàn viên cho cán bộ chuyên trách công đoàn và chủ tịch CĐCS ở một số doanh nghiệp có đông công nhân lao động; Hằng tháng, trong các cuộc họp giao ban, nội dung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS đều được “đưa lên bàn nghị sự”; Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên của LĐLĐ tỉnh, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh phụ trách huyện, ngành thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị; trực tiếp cùng với cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở tới doanh nghiệp để vận động.

Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh làm việc với Lãnh đạo UBND tỉnh và kiến nghị để UBND tỉnh ban hành Công văn số số 149/UBND-VP6, ngày 05/5/2016 về  đẩy mạnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động và công đoàn. Cũng cần nói thêm là trước đây, UBND tỉnh cũng đã ban hành một số văn bản chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật lao động, nhưng tại công văn số 149 lần này đã chỉ rõ những nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành trong việc phối hợp với LĐLĐ tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền thành lập tổ chức công đoàn và thu kinh phí công đoàn ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

LĐLĐ tỉnh đã tổ chức một hội nghị riêng để triển khai Công văn số 149 của UBND tỉnh, thành phần gồm cán bộ chuyên trách công đoàn và mời đại diện lãnh đạo 06 sở, ngành như: Sở Kế hoạch và đầu tư; Sở Lao động- Thương binh và xã hội; Cục Thuế tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Đài phát thành-truyền hình tỉnh; Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố. LĐLĐ tỉnh đã có văn bản gửi tới các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đề nghị phối hợp thực hiện những nội dung cụ thể, thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; định kỳ hằng quý, đề nghị các sở, ngành và UBND các huyện đánh giá kết quả thực hiện Công văn số 149 để LĐLĐ tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.

          Cùng với đó, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các ban chuyên môn tổng hợp, in ấn bộ tài liệu gồm những văn bản, quy định của Nhà nước, Chính phủ, Tổng Liên đoàn, của tỉnh… liên quan đến việc thành lập tổ chức công đoàn và đóng kinh phí công đoàn; lập danh sách những doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập CĐCS nhưng sau nhiều năm đi vào hoạt động vẫn chưa thành lập công đoàn để cung cấp cho LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn ngành. LĐLĐ tỉnh chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị cử cán bộ trực tiếp đến từng doanh nghiệp để gặp gỡ và gửi bộ tài liệu tới tận tay người có trách nhiệm trong doanh nghiệp.

Những động thái trên đã tác động tích cực đến nhận thức của đội ngũ cán bộ công đoàn, của các cấp, các ngành và của người sử dụng lao động: Đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã nêu cao trách nhiệm hơn, trăn trở suy nghĩ , tìm mọi cách thức để tiếp cận chủ sử dụng lao động, kể cả việc thông qua các mối quan hệ xã hội, tranh thủ tối đa sự lãnh đạo của cấp ủy, sự vào cuộc của chính quyền và các cơ quan chức năng; kiên trì đeo bám để tuyên truyền vận động (có những doanh nghiệp phải tới lần thứ năm mới gặp gỡ được chủ sử dụng lao động). Các cấp ủy đảng và chính quyền đã tăng cường việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức công đoàn (các cấp ủy thành lập các tổ công tác tiến hành khảo sát tại doanh nghiệp phục vụ công tác thành lập tổ chức chính trị -xã hội; UBND các huyện có văn bản chỉ đạo về việc thành lập công đoàn trong doanh nghiệp). Sở Lao động Thương binh xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp đưa nội dung chấp hành Luật công đoàn, Bộ Luật lao động vào Kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; Sở Kế hoạch đầu tư yêu cầu doanh nghiệp cam kết thành lập công đoàn khi đề nghị chấp thuận dự án đầu tư; Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh tăng thời lượng phát sóng và có nhiều tin, bài viết về tổ chức công đoàn, công khai những doanh nghiệp cố tình né tránh việc thành lập tổ chức công đoàn.... Một số chủ doanh nghiệp trước đây từ chối thành lập công đoàn thì nay đã chấp thuận và tạo điều kiện cho cán  bộ công đoàn đến vận động kết nạp đoàn viên, thành lập CĐCS.

Cùng với các giải pháp truyền thống, những tác động làm chuyển biến nhận thức đã giúp cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS của LĐLĐ tỉnh trong năm 2016 đạt được kết quả cao nhất từ trước tới nay. Tính đến 30/11/2016 toàn tỉnh đã kết nạp mới 9.500 đoàn viên, đạt 158%; thành lập được 35 CĐCS, đạt 140% so với kế hoạch của LĐLĐ tỉnh. Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về số đoàn viên tăng tuyệt đối (6.117/6.000) do Tổng Liên đoàn giao.

Phan Duy Linh, PCT LĐLĐ tỉnh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 399
Hôm qua : 692
Tổng số : 7.536.362