Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số ảnh hưởng tích cực của học thuyết "Tam tòng", "Tứ đức" trong nho giáo đối với người Phụ Nữ VN

Hiện nay, nước ta đang bước sang thời kỳ đổi mới với những thay đổi mạnh mẽ trên các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá,... Điều đó, đã đặt ra yêu cầu, đòi hỏi, những tiêu chí đánh giá của ...

 

Hiện nay, nước ta đang bước sang thời kỳ đổi mới với những thay đổi mạnh mẽ trên các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá,... Điều đó, đã đặt ra yêu cầu, đòi hỏi, những tiêu chí đánh giá của xã hội về con người nói chung, người phụ nữ nói riêng. Người phụ nữ trong thời đại mới phải đẹp toàn diện hơn, tài giỏi hơn, tích cực tham gia các công tác xã hội, đảm đang việc gia đình.... Và bên cạnh những nét đẹp hiện đại, người phụ nữ Việt Nam cần phải giữ gìn những nét đẹp truyền thống quý báu của dân tộc. Vì vậy, thuyết “Tam tòng”, “Tứ đức” trong Nho giáo có những ảnh hưởng không nhỏ đến người phụ nữ Việt Nam. Làm thế nào để hạn chế những tiêu cực và phát huy mặt tích cực của học thuyết đó, đây là một câu hỏi luôn đặt ra đối với người phụ nữ Việt Nam hiện nay.

1. Một số khái quát về học thuyết “Tam tòng”, “tứ đức”

Tam tòng có nguồn gốc từ Nghi lễ, Tang phục, Tử Hạ truyện có ghi: “Phụ nhân hữu tam tòng chi nghĩa, vô chuyên dụng chi đạo, cố vị giá tòng phụ, ký giá tòng phu, phu tử tòng tử (Nghĩa là: Người đàn bà có cái nghĩa phải theo ba điều, mà không có cái lễ (đạo) làm theo ý mình, cho nên, khi chưa lấy chồng thì theo cha, khi đã lấy chồng thì theo chồng, khi chồng chết thì theo con)”. Sau này, các nhà Nho vận dụng thuyết tam tòng, tứ đức vào việc giáo hóa người phụ nữ. Vì vậy, theo Nho giáo, phụ nữ có ba điều phải tuân theo, không có quyền tự định đoạt theo ý mình: 1. Tại gia tòng phụ người con gái khi còn ở nhà phải nghe theo cha. 2. Xuất giá tòng phu: lúc lấy chồng phải nghe theo chồng. 3. Phu tử tòng tử: nếu chồng qua đời phải theo con trai.

Có nghĩa: người phụ nữ khi còn sống ở nhà từ bé đến lúc trưởng thành, khi chưa lấy chồng thì theo cha. Người cha quyết định mọi việc của con gái, từ công việc, cuộc sống cho đến hạnh phúc còn người mẹ chỉ giữ vai trò thứ yếu vì bản thân cũng là người phụ nữ phụ thuộc vào người chồng. Người con gái không có quyền quyết định hôn nhân, hạnh phúc của mình. Mạnh Tử đã cho rằng: “Nếu chẳng đợi lệnh cha mẹ, chẳng chờ lời mai mối, mà lén dùi lỗ để nhìn nhau, vượt tường để theo nhau, thì cha mẹ và người trong xứ đều khinh rẻ mình” (Bất đãi phụ mẫu chi mệnh, mối trước chi ngôn, toàn huyệt khích tương khuy, du tường tương tùng, tắc phụ mẫu, quốc dân giai tiện chí)[1]. Quy định tam tòng khiến người phụ nữ khi xuất giá lấy chồng thì hoàn cảnh tốt hay xấu thế nào cũng đã trở thành người nhà chồng, chứ không được nương nhờ ai. Khi lấy chồng thì phải theo chồng dù sướng hay khổ vẫn phải chấp nhận, nếu chồng qua đời phải theo con trai không được đi bước nữa phải ở vậy suốt đời “tòng” con, không được tái giá. Danh nho đời Tống Trình Y Xuyên đã nói: “Nhược thú thất tiết giả dĩ phối thân, thị kỷ thất tiết dã”[2] người đàn ông đi cưới người thất tiết thì chính mình cũng là người thất tiết cho nên với người phụ nữ goá bụa dù có khổ cực, nghèo đói, không có nơi nương tựa cũng không được tái giá, chết đói là chuyện rất nhỏ thất tiết mới là chuyện lớn (Nhiên ngạc tử sự cự tiểu, thất tiết sự cực đại)[3].

Tứ đức có nguồn gốc từ Chu lễ (sách ghi những quy định về lễ nghĩa thời nhà Chu), thiên Quan trủng tể có ghi: Cửu tần chưởng phụ học chi pháp, dĩ cửu giáo ngự: phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công. (Nghĩa là: Cái phép học của người vợ cả là lấy chín điều - tập trung trong bốn đức: công, dung, ngôn, hạnh). Sau này, các nhà Nho vận dụng vào việc giáo hóa sự tu dưỡng phẩm chất đạo đức của người phụ nữ. Theo Nho giáo, với người phụ nữ, tứ đức gồm phụ công, phụ dung, phụ ngôn và phụ hạnh.

1. Công: nữ công, gia chánh phải khéo léo. Tuy nhiên các nghề với phụ nữ ngày xưa chủ yếu chỉ là may, vá, thêu, dệt, bếp núc, buôn bán, với người phụ nữ giỏi thì có thêm cầm kỳ thi hoạ.

2. Dung: Dáng người đàn bà phải hòa nhã, gọn gàng, biết tôn trọng hình thức bản thân.

3. Ngôn: Lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng.

4. Hạnh: Tính nết hiền thảo, trong nhà thì nết na, kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, ăn ở tốt với anh em họ nhà chồng. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh, cay nghiệt.

Có thể thấy, điểm chung giữa thuyết tam tòng, tứ đức là những quy tắc, lễ nghĩa, chuẩn mực bắt buộc đối với người phụ nữ. Cả hai cùng được giai cấp thống trị phong kiến sử dụng ngày một triệt để như một công cụ đắc lực để giáo hóa người phụ nữ với mục đích ổn định xã hội, bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị và vai trò của nam giới.  Như giáo sư Vũ Khiêu đã viết: “Phải chăng ở đây cái “ngu trung” lại được vận dụng vào việc giữ gìn tiết hạnh của người phụ nữ, hay là ngược lại, cái giữ gìn tiết hạnh của người phụ nữ lại trở thành tấm gương soi cho các bậc trung thần”[4].

Điểm khác biệt giữa thuyết tam tòng, tứ đức thể hiện ở phạm vi, đối tượng đề cập. Tam tòng chỉ mối quan hệ giữa phụ nữ với nam giới trong gia đình và ngoài xã hội, đó là: cha, chồng, con trai - đề cao sự phục tùng một chiều, sự thuỷ chung tuyệt đối của phụ nữ đối với nam giới. Còn tứ đức lại chú trọng vào sự tu dưỡng phẩm chất đạo đức cá nhân của chính bản thân người phụ nữ một cách toàn diện, đẹp về cả hình thức và nhân phẩm. Tu dưỡng công - dung - ngôn - hạnh để đạt được tam tòng. Tứ đức là điều kiện để thực hiện tốt đạo tòng cha, tòng chồng, tòng con. Ngược lại, tam tòng chứng minh cho tứ đức, chứng minh cho phẩm hạnh cao quý của người phụ nữ. Ở Việt Nam, thuyết tam tòng, tứ đức được pháp luật phong kiến Việt Nam thừa nhận và đề cao giai cấp phong kiến đã sử dụng quyền chuyên chính để đe dọa và trừng trị những người phụ nữ muốn thoát ra khỏi vòng trói buộc của chế độ tông pháp và lễ giáo Nho giáo. Họ không chỉ chịu sự đàm tiếu của dư luận mà còn phải chịu những hình phạt hà khắc như đánh bằng gậy, thích vào mặt, lưu đày, tử hình... Điều đó, thể hiện rõ trong các Bộ Luật như: Bộ luật Gia Long, Quốc triều hình luật. Chẳng hạn, Điều 34 của Quốc triều Hình luật có ghi: “Người nào đang có tang cha mẹ hoặc tang chồng mà lại lấy chồng hoặc cưới vợ thì xử tội đồ, người khác biết mà vẫn cứ kết hôn thì xử biếm ba tư và đôi vợ chồng mới cưới phải chia lìa. Điều 37: Tang chồng đã hết mà người vợ muốn thủ tiết, nếu ai không phải là ông bà cha mẹ mà ép gả cho người khác, thì xử biếm ba tư và bắt phải ly dị; người đàn bà phải trả về nhà chồng cũ; người đàn ông lấy người đàn bà ấy thì không phải tội”[5]. Bên cạnh đó, thuyết tam tòng, tứ đức được xây dựng theo xu hướng Nho giáo hóa và thể hiện dưới hình thức gia huấn ca, hương ước làng xã Việt Nam và văn học dân gian tiêu biểu là ca dao, tục ngữ, dân ca nhằm giáo dục đạo đức cho người phụ nữ.

Ngày nay, lịch sử dân tộc Việt Nam đã sang trang, điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tư tưởng cho sự tồn tại của Nho giáo không còn nữa. Song, ảnh hưởng của thuyết “tam tòng”, “tứ đức” đối với người phụ nữ Việt Nam vẫn còn dư âm trong xã hội hiện đại. Sự ảnh hưởng đó biểu hiện trên cả hai bình diện cả tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, ở bài viết này tác giả chỉ đề cập tới một số ảnh hưởng tích cực của thuyết “tam tòng”, “tứ đức” đối với người phụ nữ Việt Nam hiện nay.

 2. Ảnh hưởng tích cực của thuyết “tam tòng”, “tứ đức” đối với người phụ nữ Việt Nam

Hiện nay, bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực thì thuyết tam tòng, tứ đức còn có nhiều ảnh hưởng tích cực đối với đời sống xã hội. Trước hết, học thuyết này có vai trò trong việc giáo dục ý thức cho người phụ nữ tôn trọng kỷ cương, nền nếp gia đình để ổn định trật tự xã hội. Tiếp thu những tinh hoa trong Nho giáo Trung Quốc, ở nước ta từ thời xưa các nhà Nho đã biết giáo dục người phụ nữ thông qua thuyết tam tòng, tứ đức. Họ yêu cầu người phụ nữ phải biết kính trên nhường dưới, hết lòng phục dưỡng gia đình nhà chồng. Như trong sách Nữ tắc có viết: “Khi xuất giá lấy chồng thì phải tề gia nội trợ làm sao, ở với chồng làm sao cho phải đạo, ở sao cho vừa ý đẹp lòng cha mẹ chồng... Ta khuyên con gái năng coi, năng đọc, mà say, hay là học thuộc lòng đi thì lại càng hay để mà nhớ việc mình phải giữ, phải kiêng, phải dè...”[6].

Thuyết tam tòng, tứ đức giúp cho giá trị của người phụ nữ được nâng cao. Nó không phân biệt đẳng cấp, địa vị, giàu nghèo, độ tuổi, vùng miền, học vấn... Những người phụ nữ nông thôn, miền núi, không có nhiều điều kiện học tập vẫn có khả năng rèn luyện thành người đảm đang, giỏi giang, hết lòng vì chồng con. Nêu cao tinh thần và phương pháp tự học, tự tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức như cơm ăn nước uống hàng ngày. Thuyết “tam tòng”, “tứ đức” góp phần tích cực trong việc giáo dục các phẩm chất đạo đức cá nhân tốt đẹp cho phụ nữ Việt Nam ngày nay, góp phần làm nên những phẩm chất đạo đức truyền thống quý báu của người phụ nữ Việt Nam: Nhẫn nại, hy sinh, tần tảo một nắng hai sương, chịu thương chịu khó; thuỷ chung son sắt, hết lòng vì chồng vì con; vị tha, nhân hậu, giản dị, trọng nghĩa trọng tình; hiếu thảo; hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích gia đình, dòng tộc.

Hai là, thuyết “tam tòng”, “tứ đức” góp phần giáo dục người phụ nữ hoàn thiện vẻ đẹp hình thức và nội dung toàn diện theo các đức Công - Dung - Ngôn - Hạnh đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại.

Ngày nay, công cuộc đổi mới của đất nước đã đem lại sự thay đổi lớn về vai trò và địa vị của người phụ nữ. Nội dung của đức công không bị bó hẹp trong phạm vi gia đình mà ngày càng mở rộng hơn trong lĩnh vực xã hội (bao hàm trong nước và quốc tế). Trong thời đại mới, quan niệm về nội dung, tính chất công việc của người phụ nữ được nhìn nhận ở hai phương diện: Một là, đảm đang công việc gia đình, tổ chức đời sống vật chất và tinh thần một cách hợp lý. Hai là, bằng năng lực của mình, họ tham gia vào công việc xã hội để tạo thu nhập cho gia đình, nâng cao tri thức cá nhân và góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Hiện nay, người phụ nữ hiện đại ở thế kỷ XXI đã có quyền bình đẳng, họ đã được xã hội tạo điều kiện để phát huy tài năng của mình. Song, thực tiễn cuộc sống mới, quy luật mới đòi hỏi người phụ nữ ngày nay phải có những nhận thức, hành động mới cho phù hợp. Điều này đòi hỏi họ phải có những đức tính quý báu mang tính truyền thống và trình độ, kiến thức, chuẩn mực hiện đại: tự trọng, tự tin, đảm đang, trung hậu. Chính vì vậy, phụ nữ Việt Nam phải biết tận dụng và phát huy những mặt tích cực và khắc phục những mặt hạn chế trong thuyết “tam tòng”, “tứ đức” để hoàn thiện cá nhân mình, xứng đáng với 8 chữ vàng Bác Hồ kính yêu đã tặng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”./.

 

TS. Phan Thị Hồng Duyên

UVBTVCĐ - Trưởng Ban Nữ công trường Đại học Hoa Lư

[1] Giản Chi - Nguyễn Hiến Lê (2004), Đại cương triết học Trung Quốc, Tập 2, Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr.14.

[2] Giản Chi - Nguyễn Hiến Lê (2004), Đại cương triết học Trung Quốc, Tập 2, Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr.13-14.

[3] Giản Chi - Nguyễn Hiến Lê (2004), Đại cương triết học Trung Quốc, Tập 2, Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr.14.

[4] Vũ Khiêu (1997), Nho giáo và phát triển ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.146.

[5] Nguyễn Ngọc Nhuận, Nguyễn Tá Nhí (2003), Quốc triều Hình luật, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, tr.130.

[6] Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam - Viện Harvard - Yenching Hoa Kỳ (2006), Nho giáo ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.229.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 27 trong 11 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 209
Hôm qua : 581
Tổng số : 7.525.265