Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một vài suy nghĩ về vai trò của CĐ trong việc xây dựng QHLĐ hài hòa trong DN

Hài hòa, ổn định và tiến bộ là ba thành tố quan trọng trong chủ trương lớn của Đảng trong chỉ đạo xây dựng môi trường lao động và định hướng chiến lược phát triển quan hệ lao động ở Việt Nam. Thực tế ...

Hài hòa, ổn định và tiến bộ là ba thành tố quan trọng trong chủ trương lớn của Đảng trong chỉ đạo xây dựng môi trường lao động và định hướng chiến lược phát triển quan hệ lao động ở Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy, những doanh nghiệp muốn phát triển bền vững đều phải xây dựng môi trường lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Đình công, ngừng việc ở bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều là kết quả của một mối quan hệ lao động bị đổ vỡ - một kết thúc cả doanh nghiệp và người lao động đều không muốn. Thực trạng về các cuộc ngừng việc, tranh chấp lao động tập thể xảy ra trên địa bàn cả nước hiện nay đã cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng “môi trường lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ” đối với sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời cũng cho thấy vai trò to lớn của Công đoàn đối với việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bởi Công đoàn là đại diện một bên của quan hệ lao động, thiếu Công đoàn không thể tạo thành quan hệ lao động hoàn chỉnh.

Trong giai đoạn hiện nay, để Công đoàn thực hiện tốt chức năng của mình, trở thành một đoàn thể có sức ảnh hưởng sâu, rộng đến đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, Công đoàn cần thay đổi phương thức hoạt động dựa trên 3 phương châm “gia tăng sự thấu hiểu; truyền cảm hứng tinh thần; phát triển sự khác biệt”.

Hãy cùng tưởng tượng một mối quan hệ mà hai bên đều không hiểu được vai trò, quyền lợi, nghĩa vụ và mong muốn của nhau thì xích mích, bất hòa, dẫn đến tranh chấp xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, trong mọi mối quan hệ, nhất là trong quan hệ lao động rất cần sự thấu hiểu lẫn nhau. Trong doanh nghiệp, “gia tăng sự thấu hiểu”, Công đoàn mới giúp doanh nghiệp và người lao động hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động. Khi người lao động hiểu rõ chính sách, pháp luật lao động và nội quy lao động, sẽ tự nhiên hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của mình để điều chỉnh hành vi, thái độ trong quá trình làm việc. Khi doanh nghiệp hiểu được người lao động là tài sản quý nhất, sẽ có các hoạt động chăm lo, quan tâm, cải thiện hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Có “gia tăng sự thấu hiểu”, Công đoàn mới có cơ sở để kịp thời đề xuất, thông tin về tâm tư nguyện vọng của người lao động, để lãnh đạo doanh nghiệp nhận thấy việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp phải xuất phát từ việc đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn cho người lao động. Khi quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ mới góp phần tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Có “gia tăng sự thấu hiểu”, Công đoàn mới có đầy đủ thông tin để sớm thiết lập quy ước chung cho cả hai bên trong thỏa ước lao động tập thể và quy chế dân chủ. Và để “gia tăng sự thấu hiểu”, không có con đường nào ngắn hơn và hiệu quả hơn việc Công đoàn nỗ lực làm cầu nối, làm bạn, là bạn, là người đồng hành tin cậy của cả người lao động và người sử dụng lao động.

Điều đáng sợ nhất của con người là sự đơn độc, vì thế, con người thường có xu hướng gia nhập các nhóm, các tổ chức để trở thành một thành viên của nhóm, tổ chức đó, để thấy bản thân không bị lạc lõng, không một mình. Người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp cũng không ngoài mục đích được sẻ chia, được là bạn và được giúp đỡ. Chính vì vậy, sau khi đã “gia tăng sự thấu hiểu”, Công đoàn cần phải biết “truyền cảm hứng tinh thần” không chỉ cho đoàn viên, người lao động - thành viên tổ chức của mình mà còn cho cả phía doanh nghiệp.

 Với đoàn viên, người lao động, Công đoàn phải giúp họ hiểu được quyền lợi gắn liền với trách nhiệm trong quan hệ lao động, giúp họ thấy được trước hết vì quyền lợi của bản thân mà phải nâng cao trách nhiệm của mình trong lao động; chấp hành tốt kỷ luật lao động, có động lực để tích cực sản xuất, rèn luyện tay nghề, phát huy sáng tạo, sáng kiến thì mới có được năng suất lao động tốt, thu nhập mới cao hơn. Công đoàn truyền cảm hứng cho họ qua các hoạt động tập thể, các hoạt động văn nghệ, thể thao phù hợp, giúp họ tự tin tham gia và thể hiện năng khiếu, sở trường của mình. “Truyền cảm hứng” có khi đơn giản chỉ là giúp họ vượt qua cái tôi e ngại, tự ti, xấu hổ khi lần đầu tiên thể hiện bản thân trước tập thể. “Truyền cảm hứng” để đoàn viên tự nhận thấy và biết đòi hỏi quyền được tham gia các hoạt động tập thể, được nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, được tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, tương trợ đồng nghiệp.., sau những giờ làm việc tại doanh nghiệp. Để “truyền cảm hứng tinh thần’ cán bộ Công đoàn không nhất thiết phải có khiếu nghệ thuật, giỏi ca hát, giỏi thể thao mà quan trọng là truyền cảm hứng thế nào để lôi cuốn, khích lệ được mỗi đoàn viên tự tin tham gia và toả sáng, hay chỉ cần giúp đoàn viên nhận thấy rằng “cơm áo gạo tiền” không cần phải là sự quan tâm duy nhất thường trực mỗi ngày.

Chất lượng sản phẩm làm nên thương hiệu của doanh nghiệp trên thương trường. Các sản phẩm có chất lượng trước hết cần phải mang tính nhân văn. Muốn vậy, sản phẩm phải được làm ra bởi những người có trách nhiệm. Công đoàn cần “truyền cảm hứng” thế nào để doanh nghiệp nhận thấy người lao động không thể là người có trách nhiệm nếu họ bị đối xử không công bằng. Doanh nghiệp phải tận tâm với người lao động không chỉ là việc thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật mà còn phải biết chia sẻ, trân quý họ. Khi ấy, doanh nghiệp cũng trở thành người truyền được cảm hứng cho người lao động. Khi được chính doanh nghiệp truyền cảm hứng, người lao động chắc chắn sẽ làm việc có trách nhiệm, tạo ra sản phẩm có chất lượng, có ý thức xây dựng doanh nghiệp, đóng góp cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, quan hệ lao động sẽ ngày càng ổn định, hài hoà và tiến bộ, hai bên ngày càng thấu hiểu và sẻ chia trách nhiệm, quyền lợi cho nhau.

Và Công đoàn, đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp khi làm tốt vai trò truyền cảm hứng, cũng vì vậy sẽ được doanh nghiệp tin cậy, giao trọng trách cùng chăm lo cho người lao động. Công đoàn sẽ tiếp tục chủ động hơn trong xây dựng chương trình hoạt động, đề xuất với doanhh nghiệp biện pháp nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người lao động, tạo điều kiện để lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động có dịp giao lưu, chia sẻ, giải tỏa căng thẳng, trải nghiệm những giây phút vui vẻ cùng nhau. Khi tinh thần phấn khởi, vui vẻ, năng suất lao động tốt, sức sáng tạo tăng thêm, nhu cầu gắn kết để cùng tiến bộ, phát triển vì thế sẽ lại gia tăng.

Chú trọng phát triển sự khác biệt sau khi thấu hiểu, truyền cảm hứng sẽ góp phần tích cực xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Mỗi người lao động đều có những thế mạnh riêng và có sự khác biệt. Mỗi doanh nghiệp cũng vậy. Công đoàn thực hiện chức năng cầu nối, cần phải có biện pháp phù hợp gắn kết những sự khác biệt và phát huy thế mạnh của mỗi người lao động, phải giúp doanh nghiệp nhận thấy và tạo điều kiện cho từng cá nhân có điều kiện phát huy năng lực, khả năng của mình. Đồng thời, Công đoàn giúp người lao động thấy được sự khác biệt của doanh nghiệp trong quan hệ lao động để tự giác phát huy trách nhiệm của mình và mong muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Không nên cho rằng sự khác biệt cần phải là điều gì đó quá to lớn. Sự khác biệt có thể chỉ đơn giản là việc lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động cùng nhau hô vang khẩu hiệu, tôn chỉ trong sản xuất, kinh doanh vào mỗi kỳ sinh hoạt chung, hoặc mỗi thứ Hai đầu tuần. Sự khác biệt ấy hoặc chỉ đơn giản là những cái xiết tay, hò reo nhảy múa cùng nhau trong những dịp liên hoan, không phân biệt người lao động và người sử dụng lao động. Và sự khác biệt, đôi khi đến từ những điều vô cùng đơn giản qua cách gọi tên các hoạt động của Công đoàn. Thay vì gọi “Quỹ ủng hộ lao động khó khăn”, hãy gọi quỹ đó là “Quỹ chia sẻ yêu thương”, thay vì tên gọi chung chung, hãy gắn tên Công ty vào mỗi hoạt động. Ví dụ: “Phụ nữ Adora hạnh phúc”; “Tự hào là phụ nữ MCnex”, hay “Vào bếp cùng CFG”, “Mr and Ms YG Vina” trong ngày 8/3, 20/10. Chương trình “Trung thu cho bé” sẽ được gọi với những cái tên cụ thể, đại loại như “Phoenix của em”, “Đêm rằm Thành Công”, “Vienergy cùng em đến trường”... Nét riêng khác biệt này, đơn vị nào cũng có, doanh nghiệp nào cũng có, quan trọng nhất là Công đoàn có thể làm sáng lên những nét riêng biệt ấy và biến nó thành “những niềm tự hào khác biệt” hay không.

Chắc chắn rằng, mỗi đơn vị, với sự nỗ lực thay đổi phương thức hoạt động, thực hiện 3 phương châm “gia tăng sự thấu hiểu/truyền cảm hứng tinh thần/phát triển sự khác biệt”, sẽ tạo nên những giá trị riêng, tạo nền móng vững bền cho việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ trong doanh nghiệp. Sẽ chẳng phải lo nghĩ về việc xảy ra tranh chấp lao động, hay ngừng việc tập thể, sẽ chẳng phải bận tâm vì biến động trên thị trường lao động, bởi người lao động trong môi trường như thế sẽ chẳng còn tâm lý “đứng núi này, trông núi nọ”. Vì họ an tâm về quyền lợi đã và sẽ được hưởng, họ được thấu hiểu, được truyền cảm hứng làm việc, được phát huy sở trường tiềm ẩn trong mỗi người.

Sự cân đối, hài hòa về lợi ích, trách nhiệm của các bên tham gia, vật chất, tinh thần của người lao động và doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp phát triển theo chiều hướng ngày càng tốt đẹp hơn lên là đích đến chung của không chỉ của người lao động, doanh nghiệp mà của toàn xã hội. Và với 3 phương châm hoạt động công đoàn được vận dụng triển khai tại doanh nghiệp, chắc chắn “môi trường lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ” trong doanh nghiệp sẽ không phải là cái đích quá xa vời./.

                                                                                    Hồng Nhung - CĐKCN

                                     


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 579
Hôm qua : 818
Tổng số : 7.535.421