Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, CC, VC: Thực trạng và giải pháp

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước đã và đang góp phần đáng kể vào ...

Thực trạng về trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước đã và đang góp phần đáng kể vào tiến trình cải cách hành chính theo mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Các cấp công đoàn đã triển khai cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức "Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu" đến cuộc vận động "Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức" đã làm chuyển biến trong nhận thức, ý thức trách nhiệm, tác phong làm việc khoa học, sáng tạo, năng động; việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đã trở thành nhu cầu cần thiết của cán bộ, công chức giúp cho việc tham mưu, giải quyết công việc được chính xác, nhanh chóng đem lại hiệu quả cao hơn trong công việc, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy một thực tế: còn không ít cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay làm việc với tinh thần trách nhiệm chưa chủ động, tích cực, thể hiện ở chỗ: Một số cán bộ, công chức bảo thủ trong cách nghĩ, cách làm, thiếu sự năng động, sáng tạo và đổi mới; cách làm việc quan liêu, hành chính hoá, không thạo việc, tác phong chậm chạp, rườm rà, thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, hách dịch, nói nhưng không làm, sử dụng thời gian làm việc không hiệu quả, có tình trạng " đi muộn về sớm", đùn đẩy trách nhiệm, ứng xử thiếu văn hóa... dẫn đến sự trì trệ trong giải quyết công việc, chất lượng trong tham mưu ban hành văn bản; tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm của không ít cán bộ, công chức trong giải quyết công việc còn gây phiền hà cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đến liên hệ công tác, làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào bộ máy quản lý của nhà nước. Thước đo rõ nhất nói lên kết quả của công tác cải cách thủ tục hành chính của tỉnh là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI- chỉ số thể hiện chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp và dân doanh của chính quyền tỉnh chưa đạt kết quả như mong muốn; năm 2013 Ninh Bình đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố, 2014 đứng thứ 11/63 đến 2015 tăng lên thứ 30/63 tỉnh, thành phố.

  Có nhiều nguyên nhân của tình trạng trên. Trước tiên phải nói đến là việc chúng ta vẫn chưa có những quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ cho từng loại hình công việc, nhất là những quy định về tính chịu trách nhiệm cá nhân  (mới chỉ có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu nhưng vẫn chỉ trên văn bản chứ trên thực tế chưa được thực hiện nghiêm).

 Hiện tượng "bình quân chủ nghĩa" còn diễn ra khá phổ biến, chưa có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cán bộ, công chức dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức ỷ lại dựa dẫm vào cấp trên, chưa có ý thức phấn đấu vươn lên; cán bộ, công chức bị động, phụ thuộc, trì trệ,  thực hiện công việc theo chiều chỉ đạo từ trên xuống mà chưa có sự chủ động tham mưu, đề xuất từ dưới lên.

Thực hành dân chủ vẫn chưa thường xuyên, đều khắp và chưa trở thành nếp sinh hoạt văn hoá công sở. Vẫn còn tồn tại không ít hiện tượng áp đặt, quan liêu cửa quyền, tham nhũng, hối lộ, tự do vô tổ chức, tuỳ tiện, coi thường kỷ cương, kỷ luật công vụ. Điều này dẫn tới việc cán bộ, công chức không phát huy được tinh thần sáng tạo, không đề xuất được các sáng kiến, giải pháp về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ.

Công tác tổ chức cán bộ vẫn có những bất cập từ khâu tuyển dụng đến đề bạt cán bộ, công chức; việc đánh giá cán bộ, công chức có làm nhưng chưa thực chất, người làm nhiều, làm tốt nhưng thường hay va chạm nên chưa được đánh giá cao, người nói mà không làm thường không va chạm lại được đánh giá cao; việc sắp xếp một số vị trí công việc chưa phù hợp chuyên môn, đúng người đúng việc. Hệ quả là gây ra sự chán nản, không khuyến khích được sự cố gắng nỗ lực, tính sáng tạo trong giải quyết công việc của công chức, dẫn đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và hiệu quả công việc không cao.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức mới chỉ chú trọng tới lợi ích cá nhân, năng lực hạn chế, không chịu nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm, dựa vào máy vi tính, sao chép văn bản khi được giao nhiệm vụ. Nguyên nhân này dẫn tới hiệu quả giải quyết công việc thấp, văn bản triển khai không phù hợp thực tiễn của địa phương, lĩnh vực; hiện tượng "hành dân" để thu lợi ích cá nhân còn diễn ra nhưng phát hiện sử lý chưa nhiều.

Một nguyên nhân rất quan trọng chính là uy tín của người lãnh đạo trong quản lý, điều hành, tính gương mẫu nêu gương chưa nhiều... làm ảnh hưởng tới tính tích cực, hăng say làm việc của công chức. Một môi trường làm việc thiếu tính minh bạch, công khai, văn minh; môi trường mất dân chủ là yếu tố làm thui chột tính tích cực lao động của cán bộ, công chức.

Qua sơ kết một một năm thực hiện Cuộc vận động "Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ công chức, viên chức" do LĐLĐ tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ triển khai, kết quả bước đầu có chuyển biến nhưng chưa tạo được sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp nên hiệu quả chưa cao.

 Một số giải pháp cần quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ để nang cao chất lượng và hiệu quả cuộc vận động "Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức" trong thời gian tới.

 Nội dung của cuộc vận động do LĐLĐ tỉnh và Sở Nội vụ triển khai cũng chính là nhằm thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ trong 3 khâu đột phá và 7 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra. Vì vậy Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 27-TTr/TU ngày 4/8/2015 về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Công văn số 317- CT/TU ngày 15/5/2016; UBND tỉnh ban hành công văn số 385/ UBND-VP7 thực hiện Thông tri 27- TTr/ TU. Để việc thực hiện Cuộc vận động đạt kết quả thiết thực theo chỉ đạo của tỉnh, cần có sự vào cuộc đồng bộ và trách nhiệm của các cấp, các ngành với những giải pháp cụ thể sau:

  Thứ nhất: Nhóm giải pháp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo

 Các cấp ủy Đảng tăng cường các giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện của chính quyền các cấp, các cơ quan HCNN, trong đó tăng cường giám sát, kiểm tra, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị  và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Nhà nước cần tiếp tục sửa đổi, điều chỉnh, hoàn thiện thể chế pháp luật để làm căn cứ xác định nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm, xác định các tiêu chí đào tạo, tuyển dụng, đánh giá, khen thưởng, xử phạt, các điều kiện thực thi công vụ của cán bộ, công chức cũng như làm căn cứ định hướng xây dựng các tiêu chí văn hoá, văn minh, dân chủ gắn với kỷ cương, kỷ luật nơi cơ quan, công sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Cần xác định rõ danh mục công việc cho từng vị trí công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước. Tại mỗi vị trí công tác phải có một "bản mô tả công việc" trong đó nêu rõ vị trí công việc là gì, nhiệm vụ chính là gì, chịu trách nhiệm như thế nào. Vì vậy, cần công bằng, khách quan, minh bạch trong tuyển chọn, đánh giá, đề bạt cán bộ, công chức; cần xem xét, xây dựng lại quy trình tuyển dụng, phát hiện, đào tạo, quy hoạch và bổ nhiệm, bố trí cán bộ để khắc phục những "lỗ hổng" có thể dẫn đến những sai lầm về công tác nhân sự. Việc bổ nhiệm cán bộ phải được thực hiện một cách chặt chẽ, khoa học, dân chủ và nhất thiết phải dựa trên các tiêu chuẩn về năng lực, trình độ, đạo đức và uy tín. Cần đổi mới khâu thăm dò uy tín đạo đức và thực hiện phương pháp thi tuyển khách quan. Sử dụng kết hợp phương pháp đánh giá định tính và định lượng, đồng thời công khai kết quả đánh giá cán bộ, công chức.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính; về thực hiện nếp sống văn hóa công sở; về trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ. Nhất là trong giải quyết các thủ tục hành chính; sử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp đồng thời khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với những cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống camera tại bộ phận một cửa để giám sát, theo dõi thái độ, trách nhiệm làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ hai: Nhóm giải pháp đối cán bộ công chức.

Đối với đội ngũ cán bộ, công chức đương nhiệm, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng, Nhà nước có thể đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng thực thi công vụ để nâng cao khả năng đảm nhiệm công việc của cán bộ, công chức. Có nhiều hình thức để nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng cho cán bộ, công chức. Chẳng hạn như: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại các cơ sở đào tạo của Nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng thông qua công việc tại cơ quan, thông qua trao đổi kinh nghiệm, tổ chức cuộc thi... tạo cơ hội để cán bộ, công chức  phát triển năng lực. Trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền; nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; phải đeo thẻ công chức, viên chức, nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ.

Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; thực hiện đúng quy định trong văn hóa hội họp; không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc; không được đánh bạc dưới mọi hình thức.

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính phải bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Nhất là đối với việc lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Giải quyết tốt chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp cho cán bộ, công chức.

Thứ ba: Nhóm giải pháp về môi trường làm việc

Xây dựng môi trường văn hoá công sở: Thủ trưởng cơ quan phối hợp với Công đoàn, Đoàn thanh niên ban hành các tiêu chí xây dựng nếp sống văn hóa công sở trong đó chú trọng về tinh thần, tác phong làm việc, lời nói, giao tiếp ứng xử, ăn mặc... có biện pháp giám sát việc thực hiện và đánh giá việc thực hiện của cán bộ, công chức theo tháng hoặc theo quý làm căn cứ đánh giá xếp loại cán bộ và thi đua khen thưởng cuối năm.

Xây dựng môi trường thực hành dân chủ cơ sở: Công khai, minh bạch các nội dung theo đúng Nghị định 04/ CP.

 

                                                                                               Mai Thủy

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 299
Hôm qua : 581
Tổng số : 7.525.355