Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ

Sáng 15/8, Tỉnh ủy Ninh Bình đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ ngày 5-8-2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông ...

 

Sáng 15/8, Tỉnh ủy Ninh Bình đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ ngày 5-8-2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVDKTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Cố vấn BCĐXDNTM Trung ương; Nguyễn Đăng Khoa, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: ĐL

Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở ban ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị cùng phòng NN&PTNT hoặc phòng kinh tế; các doanh nghiệp tham gia phục vụ nông nghiệp hoặc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày dự thảo báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ trên địa bàn tỉnh. Báo cáo nêu bật kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm qua cũng như công tác triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ.

Về nông nghiệp, Ninh Bình đã tập trung xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Đã hoàn thành quy hoạch phát triển nông nghiệp; quy hoạch xây dựng nông thôn mới; quy hoạch rừng; quy hoạch thủy lợi; quy hoạch phòng chống lũ lụt.

100% số xã đã thực hiện dồn điền đổi thửa đợt 1 và đang triển khai thực hiện đợt 2. Trong trồng trọt ổn định diện tích gieo trồng hàng năm trên 110.000 ha, trong đó diện tích lúa khoảng 80.000 ha với năng suất đạt 126 tạ/ha/năm. Hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa: nuôi trồng thủy sản ở Kim Sơn; lúa chất lượng cao ở Yên Khánh; cây ăn quả ở Tam Điệp, Nho Quan; nấm, rau ăn toàn ở Yên Khánh, thành phố Ninh Bình.

Chăn nuôi phát triển khá toàn diện, cơ cấu chuyển dịch theo hướng phát triển con nuôi có giá trị cao như dê, bò lai sind, lợn siêu nạc... Nuôi trồng thủy sản được mở rộng, năm 2012 đạt gần 10.500 ha, tăng 1.100 ha so với năm 2008; sản lượng đạt 332.000 tấn tăng 10.000 tấn so với năm 2008.

Lâm nghiệp thực hiện tốt công tác phục hồi, bảo vệ rừng, trồng rừng; hàng năm trồng thêm khoảng 1,7 triệu cây phấn tán nên diện tích đất có rừng đạt gần 29.000 ha, nâng độ che phủ rừng lên 19,2%.

Hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và tập trung vào phát triển chất lượng. Hệ thống các làng nghề có bước phát triển góp phần vào bảo tồn, phát triển nghề truyền thống như cói, thêu ren, chế tác đá, đồ gỗ, mây tre đan.

Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật có nhiều đổi mới tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ; đẩy mạnh chương trình giống, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; tổ chức thực hiện 26 đề tài ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp và đang tập trung xây dựng đề án khu nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều dự án du lịch đã được triển khai tạo điều kiện chuyển dịch lao động trong các vùng nông thôn có liên quan.

Về nông dân, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư được nâng lên nhất là vùng miền núi, vùng bãi ngang ven biển. Thu nhập của người dân nông thôn về sản xuất nông nghiệp năm 2012 đạt 19 triệu đồng/người tăng 9 triệu đồng/người so với năm 2008. 

Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh còn 7%, giảm 10% so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn từ 28% giảm xuống còn 13%. Đã có gần 50% số nhà ở nông thôn đạt chuẩn, 87,4% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 71,4% các trường mầm non phổ thông đạt chuẩn quốc gia, 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa, 88% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn tiếp tục được giữ vững, hệ thống chính trị, cơ sở được tăng cường, các thiết chế văn hóa được chú trọng, hầu hết các làng bản đều có quy ước hương ước thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, lễ tang, lễ hội.

Từ năm 2008 đến nay tỉnh đã tập trung dạy nghề cho 17.000 người, trong đó có khoảng 10.000 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động đào tạo nghề lên 34% (năm 2012). Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 75%, mỗi năm tạo việc làm mới cho 18.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động gần 1.000 người.

Về nông thôn, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, cơ sở hạ tầng nông nghiệp đã có bước phát triển, diện mạo nông thôn được cải thiện rõ rệt. Trong chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, toàn tỉnh đã có 7 xã đạt trên 13 tiêu chí; 26 xã đạt từ 9-13 tiêu chí; 86 xã đạt dưới 9 tiêu chí và phấn đấu đến năm 2013 có từ 2-3 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM...

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Cố vấn BCĐXDNTM Trung ương cho rằng cần tập trung làm tốt những vấn đề sau: làm bằng được sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trên cơ sở của sự “dồn điền, đổi thửa”, đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, đưa giống mới có năng suất chất lượng cao vào đồng ruộng, áp dụng công nghệ tiên tiến, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Nắm được lợi thế của từng vùng, trên cơ sở đó và phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng cho phù hợp. Tỉnh cố gắng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thành công 2-3 xã NTM trong năm 2013.

Trong chương trình XDNTM phải đạt được các mục tiêu: sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho người nông dân và xóa đói giảm nghèo; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân không chỉ về vật chất mà cả tinh thần, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội cho vùng nông thôn; tạo được sự đồng thuận, hài lòng, hưởng ứng, ủng hộ trong tầng lớp nhân dân, nhất là người nông dân. Nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, phải để cho họ được tham gia, bàn, làm, giám sát trong quá trình thực hiện Nghị quyết cũng như trong chương trình XDNTM, nghĩa là thực hiện quy chế dân chủ trong nhân dân.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDKTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở tỉnh ta tăng trưởng ổn định và phát triển khá toàn diện. Nông thôn có nhiều đổi mới, nông dân có nhiều tiến bộ. Vị thế của giai cấp nông dân tiếp tục được khẳng định. Hệ thống chính trị được củng cố, dân chủ ở cơ sở được phát huy. Các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển. Kết quả đó đã góp phần rất quan trọng giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong điều kiện có nhiều khó khăn do khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu suốt mấy năm vừa qua.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) trên địa bàn tỉnh, từ kết quả và những bài học kinh nghiệm rút ra sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, bên cạnh 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong báo cáo của Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành quán triệt và thực hiện tốt việc quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết; tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh các phong trào thi đua, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tích cực ứng dụng KHKT; nâng cao nhận thức, vai trò của các cấp ủy, chính quyền, thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới…

Cũng tại hội nghị này UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 27 tập thể và 12 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 5 năm qua về triển khai và thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ.

Nguồn: http://baoninhbinh.org.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 13
Hôm qua : 569
Tổng số : 7.536.922